Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam

18:33 - Thứ Tư, 11/10/2023 Lượt xem: 4420 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (11/10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân, nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Buổi gặp mặt được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 30 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự gặp mặt tại điểm cầu Điện Biên.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thích ứng bối cảnh mới; tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách và những tồn tại yếu kém, điểm nghẽn cản trở hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhờ sự hỗ trợ tích cực, DN phục hồi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 165.200 DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường (tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước). Riêng trong tháng 9 có gần 18.500 DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường (tăng 12% so với cùng kỳ). 

Nhờ nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách hỗ trợ phục hồi, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của Chính phủ, cùng nỗ lực, ý chí bền bỉ và tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng DN, từ cuối quý III khu vực DN bắt đầu có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc. Dù vậy, nhiều DN thuộc các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang thiếu hụt đơn hàng nghiêm trọng, trong đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 13%, dệt may giảm 12%, giày dép giảm 18%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 21%, thủy sản giảm 22%. Áp lực chi phí vẫn ở mức cao, nhất là đối với DN xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN; tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí trong hoạt động đầu tư kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho DN. Hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện thể chế khuyến khích DN tham gia ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững. Đối với các hiệp hội DN và DN tăng cường tính liên kết giữa các DN hội viên, các DN trong nước và nước ngoài, hợp tác cùng phát triển. Phát huy vai trò cầu nối vững chắc giữa cộng đồng DN với cơ quan quản lý nhà nước. Tận dụng tối đa lợi thế của 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các hiệp định tự do thế hệ mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế. Chủ động cập nhật thông tin, hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, tổ chức đại diện DN để nắm bắt kịp thời các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ.

Tin, ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top