Ðồng chí Trần Quốc Cường
Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy
ĐBP - Kiểm tra, giám sát vừa là chức năng, vừa là nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng. Ðối với công tác lãnh đạo của Ðảng “lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát coi như không có lãnh đạo”. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát sẽ giúp cấp ủy, tổ chức đảng “chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục vi phạm, khuyết điểm, không để vi phạm nhỏ, tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng”. Thực tiễn cho thấy nhiều vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đều từ nguyên nhân do thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. Bài học kinh nghiệm suốt thời gian qua được rút ra là nếu được kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn, sớm hơn có thể đã không xảy ra vi phạm hoặc hậu quả vi phạm sẽ ít nghiêm trọng hơn.
Nhận thức rõ kiểm tra, giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Ðảng, thời gian qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Ðiều lệ Ðảng. Ngay sau Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm cơ sở tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trong đó có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Ðảng. Ðồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường tổ chức phổ biến, nghiên cứu, quán triệt đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng tới cán bộ, đảng viên trong toàn Ðảng bộ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong công tác xây dựng đảng của Ðảng bộ, ngày 7/5/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng trong tình hình mới. Việc sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề ngay từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội đã thể hiện tầm nhìn và khẳng định quyết tâm chính trị của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Qua đó, tiếp tục giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Ðảng, phòng, chống suy thoái, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ chốt các cấp; góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng.
Ðể bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định, quy trình, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 5 quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng; ban hành một số văn bản nhằm cụ thể hóa, đổi mới, cải tiến phương pháp, quy trình trong thực hiện kiểm tra, giám sát như: Quy định về tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra, giám sát của cấp ủy, cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; Quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí sau các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và giải quyết tố cáo của chi bộ, đảng bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở; Quy trình giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tỉnh đến cơ sở...
Với quan điểm, phương châm “giám sát mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hàng năm kiểm tra, giám sát tổ chức đảng gắn với trách nhiệm người đứng đầu, lấy phòng ngừa là chính, đồng thời bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương. Chỉ đạo tập trung kiểm tra, giám sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc được dư luận xã hội quan tâm; việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị và các nguyên tắc tổ chức của Ðảng; vấn đề đoàn kết nội bộ; việc chấp hành quy chế làm việc của cấp ủy; công tác tổ chức, cán bộ; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản; việc quản lý, sử dụng đất đai; quản lý và sử dụng tài sản, tài chính công; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19… Các cuộc kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, đúng nội dung, đối tượng; kết luận rõ ưu điểm, khuyết điểm, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm; việc xử lý kỷ luật đảng bảo đảm nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng quy định và được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình cao.
Với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp, cùng với ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành của mỗi cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Ðảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói chung và công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng bộ tỉnh nói riêng còn hết sức nặng nề. Do vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong Ðảng bộ tỉnh cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập nghị quyết, chỉ thị của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, gắn với tăng cường phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Ðảng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm, quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp, người đứng đầu đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho ủy ban kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng.
Hai là, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát toàn khóa và hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị; phân công và đề cao trách nhiệm các thành viên cấp ủy, ủy viên ủy ban kiểm tra phụ trách địa bàn, lĩnh vực; xác định rõ lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm để tập trung kiểm tra, giám sát; những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, như công tác tổ chức, cán bộ, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, tài chính, tài sản công, dự án đầu tư...
Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản, quy định, quy trình, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, bảo đảm khoa học, đồng bộ, thống nhất để triển khai thực hiện trong toàn Ðảng bộ. Tăng cường nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng, phòng, chống tham nhũng; chú trọng phổ biến các kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả.
Bốn là, lãnh đạo ủy ban kiểm tra các cấp nâng cao chất lượng tham mưu giúp cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Ðảng; thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm với tinh thần chủ động hơn, quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, tập trung vào những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, dễ nảy sinh tiêu cực, sai phạm.
Năm là, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy, cơ quan, đơn vị có liên quan; phối hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát của Ðảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng.
Sáu là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát có bản lĩnh, liêm chính, năng lực, uy tín và chuyên môn giỏi. Tiếp tục thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý một số ngành, địa phương về Ủy ban Kiểm tra và cán bộ kiểm tra sang công tác ở một số ngành, địa phương khác để đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bảy là, định kỳ sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Ðảng để kịp thời phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, rút ra những kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng.