Việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn là dịp làm sâu sắc hơn các giá trị lịch sử và truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết, qua đó góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Sáng 24/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương, đơn vị có sự kiện liên quan.
Tại Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, ngay sau khi có ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025, tại Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp Trung ương do đồng chí Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng với đó, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức để giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm bảo đảm đúng theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Trong đó, việc phân công cụ thể, chi tiết từng sự kiện, từng hoạt động gắn với trách nhiệm của từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp thực hiện bảo đảm đúng nội dung và thống nhất về nội dung, hình thức triển khai.
|
Thực tiễn công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2023-2025, nhất là các sự kiện diễn ra trong 8 tháng đầu năm nay cho thấy các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức sinh động, với chất lượng, hiệu quả cao; lồng ghép với việc tuyên truyền kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương… góp phần tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, thi đua trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo Ban Chỉ đạo, trong 3 năm 2023-2025, đất nước ta có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có 5 sự kiện cấp quốc gia đến năm 2025: 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.
Cùng với đó là kỷ niệm năm tròn ngày thành lập, ngày truyền thống của các ban, bộ ngành, đoàn thể Trung ương quy mô cấp quốc gia gồm 3 sự kiện: 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô; 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; 80 năm Ngày thành lập QĐND và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân.
|
Đến nay, nhìn chung công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong 3 năm 2023-2025 được thực hiện nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương. Ban Tuyên giáo Trung ương đã bám sát ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư để chỉ đạo triển khai nhiệm vụ được phân công, bảo đảm sớm, kịp thời. Công tác phối hợp được triển khai chặt chẽ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Các cơ quan được giao chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động lớn đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công.
Báo cáo về công tác chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được chỉ đạo sâu sát, thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm; các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao chủ trì nêu cao vai trò, trách nhiệm, chủ động phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đến nay các Đề án tổng thể và kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm về sự kiện đã cơ bản được các cơ quan, đơn vị hoàn thiện, đang trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên cũng cho biết, hiện tỉnh còn đang gặp một số khó khăn như: Nguồn lực để bố trí cho các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm và đầu tư xây dựng các công trình chào mừng và phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhất là từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên còn khó khăn; nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị, văn hoá trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ xuống cấp, hạn chế về quy mô, dẫn đến những khó khăn, hạn chế trong việc bảo đảm phục vụ tốt cho các hoạt động kỷ niệm. Ngoài ra, Di tích Quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ với 45 điểm di tích thành phần nằm dàn trải trên nhiều địa bàn, thuộc nhiều đơn vị hành chính của tỉnh.
Toàn cảnh cuộc họp. |
Tại cuộc họp, từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị có sự kiện liên quan đã phát biểu làm rõ nhiệm vụ cụ thể trong trong thời gian sắp tới liên quan tới từng sự kiện.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong thời gian qua đã bám sát sự chỉ đạo của Ban Bí thư, tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của từng ngành, địa phương.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn là dịp làm sâu sắc hơn các giá trị lịch sử và truyền thống, giáo dục lý tưởng cách mạng, hun đúc ý chí tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết, qua đó góp phần củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu nhận thức việc tổ chức sự kiện, các ngày kỷ niệm đúng tầm vóc, quy mô và ý nghĩa sâu sắc mang tính chất quốc gia. Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận xã hội để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trên cơ sở đó, đồng chí lưu ý các đơn vị chủ trì hết sức chủ động theo phân công và có phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương. Ban Tuyên giáo Trung ương với trách nhiệm chủ trì, đóng vai trò kết nối, đôn đốc thực hiện.
Đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các ban, bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ khó khăn từng việc làm cụ thể để đảm bảo việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn được diễn ra thành công theo đúng yêu cầu của Ban Bí thư.
Liên quan tới sự kiện kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đây không phải sự kiện riêng của tỉnh Điện Biên mà là hoạt động chung của Đảng, Nhà nước, của dân tộc, của các tỉnh Tây Bắc. Do đó, cần tập trung chú trọng tổ chức lễ kỷ niệm trang trọng, đúng với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử; các hoạt động liên quan gồm sửa chữa, trùng tu, xây mới các công trình, trao tặng quà… cần thực hiện thiết thực cụ thể, đảm bảo tiết kiệm và hướng tới Nhân dân.
Cùng với việc chuẩn bị kỷ niệm, đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tỉnh Điện Biên cần tiếp tục đẩy mạnh việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân…