Đề xuất 5 nhóm chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

16:09 - Thứ Sáu, 27/10/2023 Lượt xem: 4911 In bài viết

Chính phủ đề xuất 05 nhóm chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 27/10, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 10 Điều với nội dung chính gồm 05 nhóm chính sách, trong mỗi chính sách sẽ có danh mục thí điểm kèm theo.

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Ảnh: QH)

Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương

Chính sách đầu tiên được Chính phủ đề xuất là về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP: Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. 

Lý giải về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định hiện hành, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều , chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư để triển khai theo phương thức PPP.

Chính sách đề xuất nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án, hấp dẫn các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng. Chính phủ đề xuất quy định cho phép tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước không quá 70%, tương tự như Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế tại khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 98/2023/QH15 đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Chính sách này áp dụng cho 01 dự án thuộc địa phận tỉnh Thái Bình.

Nhóm chính sách thứ hai được Chính phủ đề xuất là về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình. 

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương có văn bản đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

"Chính sách đề xuất nhằm phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; thuận lợi trong quy hoạch, đấu nối hạ tầng, xác định vị trí các nút giao cần thiết để tạo không gian cho phát triển kinh tế... Chính sách này áp dụng cho 07 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Phước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư các dự án liên kết vùng

Chính phủ cũng đề xuất chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương: Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tế triển khai, có nhiều dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương hoặc dự án đi qua ranh giới địa bàn 02 địa phương bằng cầu, hầm. Theo quy định pháp luật hiện hành, không cho phép 01 địa phương quyết định chủ trương đầu tư và bố trí vốn cho các dự án địa qua địa bàn của địa phương khác. Trường hợp nếu để mỗi địa phương đầu tư một nửa cầu/hầm sẽ không thuận lợi trong công tác quản lý dự án, gây lãng phí bộ máy, thời gian, thủ tục đầu tư...

Chính sách đề xuất nhằm thống nhất về thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở Trung ương đối với những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; tháo gỡ điểm nghẽn thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư các dự án liên kết vùng và cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của địa phương mình để hỗ trợ các địa phương khác cùng thực hiện 01 dự án đầu tư sẽ tạo sự linh hoạt trong điều hành ngân sách, tiết kiệm thời gian thực hiện và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn.

"Chính sách này áp dụng cho 10 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất chính sách về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu NSTW năm 2022.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về 02 nội dung: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ./.

Tú Giang

Theo Dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top