Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 3 năm phòng, chống dịch Covid-19

11:41 - Chủ Nhật, 29/10/2023 Lượt xem: 4520 In bài viết

Sáng 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 3 năm phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.

Cùng dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam Angela Pratt.

Theo Bộ Y tế, đại dịch Covid-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc; sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.

Ngày 5/5/2023, sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, WHO xác nhận Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; tại thời điểm này thế giới ghi nhận hơn 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia,vùng lãnh thổ, trong đó có hơn 6,9 triệu trường hợp tử vong.

Tại nước ta, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực; được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Công tác phòng, chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng tuyến đầu; sự ủng hộ, hỗ trợ của cộng đồng xã hội và bạn bè quốc tế; đặc biệt là sự tin tưởng, đoàn kết và tham gia tích cực của nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Ngay từ đầu năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta nước ngoài đoàn kết cùng chống dịch Covid-19; tiếp đó Bộ Chính trị đã có các kết luận; Thường trực Ban Bí thư đã có Công điện yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng dịch Covid-19.

Năm 2021, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư tiếp tục có các Kết luận, Thông báo, Điện, Công điện; Tổng Bí thư lần thứ 2 ra Lời kêu gọi; Lãnh đạo chủ chốt thường xuyên thảo luận, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược trong phòng, chống dịch.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp chống dịch Covid-19 phù hợp; dịch bệnh đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả; góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực; được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đặc biệt, Lời kêu gọi lần thứ 2 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng, vượt qua và chiến thắng đại dịch.

Đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội đã chủ động, kịp thời đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết; đặc biệt Nghị quyết số 30/2021/QH15, một sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách trong thực tiễn phòng, chống dịch.

Năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 để tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sau đó là Nghị quyết số 99/2023/QH15 nhấn mạnh việc hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng để đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự trong tương lai.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Dịch Covid-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế-xã hội, với các quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với diễn biến từng giai đoạn của dịch bệnh, trong thời gian ngắn chúng ta đã làm chậm sự lây lan, ngăn chặn sự bùng phát và từng bước đẩy lùi được dịch bệnh.

Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước; các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng lòng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống dịch.

Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi cho kinh tế xã hội phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng đang ở mức cao; tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% (cao nhất trong 12 năm), quý III năm 2023 đạt 5,33% và tính chung 9 tháng năm 2023 đạt 4,24%...

Thắng lợi đại dịch Covid-19 là thắng lợi của nhân dân, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trực tiếp là Tổng Bí thư; sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia; sự đồng hành của Chủ tịch nước, Quốc hội, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của chính quyền các cấp; đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, khó khăn, vất vả trong phòng, chống dịch Covid-19 trong 3 năm qua. Thủ tướng nêu rõ, chúng ta nhìn lại, cần có sơ kết, đánh giá, kết thúc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, vì đã chuyển trạng thái chống dịch từ nhóm A sang nhóm B.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong hơn 3 năm phòng, chống dịch vừa qua, chúng ta không thể nào quên một số mốc thời gian quan trọng: tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên (tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc); ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên; ngày 30/1/2020, WHO tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).

Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lời kêu gọi cả nước đoàn kết chống dịch. Ngày 31/3/2020, đối mặt với đại dịch nguy hiểm, chưa có tiền lệ, trong khi thông tin hạn chế, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu; để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.

Ngày 27/4/2021, sau hơn 1 năm chống dịch, chúng ta đối mặt với đợt dịch thứ 4, chủ đạo là biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62/63 tỉnh, thành phố, gây hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 11/10/2021, với tỷ lệ bao phủ vaccine khá cao, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, xác định công thức phòng, chống dịch phù hợp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Ngày 20/10/2023, Covid-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, lúc đó, chúng ta đã chuyển hướng kịp thời, đưa ra công thức phòng, chống dịch và các biện pháp đúng đắn tương đối hoàn chỉnh; đã đưa ra chiến lược vaccine gồm 3 thành tố quan trọng: Quỹ vaccine phòng, chống dịch; ngoại giao vaccine; chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 3 năm phòng, chống dịch Covid-19 ảnh 4

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, sự giúp đỡ, đoàn kết của bạn bè quốc tế.

Về cơ chế, chính sách, chúng ta cũng đã vượt qua nhờ Nghị quyết 30 của Quốc hội, tháo gỡ khó khăn về pháp lý để cho phép Chính phủ thực hiện những việc chưa có tiền lệ trong phòng, chống dịch. Chúng ta không thể không kể đến sự nỗ lực của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ sở…

Qua khó khăn, chúng ta vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết, trên dưới một lòng, “đi sau về trước” trong phòng, chống dịch, mạnh dạn tiến hành mở cửa, mang lại bình yên cho nhân dân, đem lại sự phát triển cho đất nước.

Thủ tướng khẳng định, đại dịch Covid-19 đã đi qua nhưng chúng ta phải tổng kết để rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá để phục vụ ứng phó những dịch bệnh có thể xảy ra sau này.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top