Đề nghị ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù triển khai các Chương trình MTQG

12:10 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 7061 In bài viết

ĐBP - Hôm nay (30/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu sáng 30/10, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành giám sát nhằm đánh giá giữa kỳ đối với các chương trình mục tiêu Quốc gia, đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, phấn đấu đạt được mục tiêu của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu nhất trí cao với đề xuất của Đoàn giám sát giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu kiến nghị của Đoàn giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội 07 nội dung cụ thể.

Nếu những khó khăn, vướng mắc từ thực tế tổ chức thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia được tháo gỡ bằng 01 Nghị quyết của Quốc hội quy định về cơ chế, chính sách đặc thù như Chính phủ trình thì sẽ tháo gỡ được toàn bộ những khó khăn vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, mục tiêu và hiệu quả của chương trình chắc chắn sẽ đạt được. Sau cuộc giám sát tối cao, các địa phương và người dân được thụ hưởng chính sách đang rất mong chờ Nghị quyết này” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên khẳng định.

Bổ sung cơ chế đặc thù trong cung ứng giống vật nuôi

Đại biểu thông tin, ngoài những nội dung được đề cập trong báo cáo giám sát thì vẫn có một số khó khăn mới phát sinh chưa được đề cập, ví dụ theo khoản 4 Điều 20 Nghị định 38/2023/NĐ-CP quy định “Ưu tiên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa, dịch vụ khác do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án. Đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm, được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”.

“Quy định này chưa thật sự rõ ràng, dễ dẫn đến hậu quả rủi ro về mặt pháp lý cho người thừa hành công vụ” - Đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến.

Đại biểu thông tin, để thống nhất quan điểm và nhận thức trong tổ chức thực hiện, Điện Biên đã ban hành văn bản xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề xuất theo hướng cho phép “Đơn vị chủ trì dự án thực hiện thu mua giống vật nuôi từ người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án bảo đảm quy định về nguồn gốc, sức khỏe, dịch bệnh và các tiêu chí theo định mức kinh tế kỹ thuật của tỉnh ban hành. Chính quyền địa phương nơi triển khai dự án sẽ thành lập Tổ thẩm định đánh giá về chất lượng giống vật nuôi của đơn vị chủ trì dự án trước khi cấp đến các hộ dân được thụ hưởng”.

Nội dung này được Cục chăn nuôi trả lời tại văn bản số 668 ngày 15/8/2023 như sau: địa phương cần xem xét cân nhắc lựa chọn phương án cung ứng giống phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi (Luật Chăn nuôi, các nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi).

Hiện nay, trên địa bàn cả nước không có đơn vị nào có đủ điều kiện cung ứng con giống bản địa. Việc sử dụng giống vật nuôi (chủ yếu được nuôi theo hướng công nghiệp) do các đơn vị cung ứng từ các địa phương khác đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Chăn nuôi không phù hợp với cách thức chăn nuôi quảng canh của nông hộ nhỏ lẻ vùng miền núi, không phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường chăn thả ngoài tự nhiên, làm giảm tỷ lệ sống, hạn chế sự phát triển của vật nuôi, giá thành tăng do chi phí vận chuyển xa.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Quốc hội chấp thuận cơ chế cho phép các địa phương thực hiện theo đề xuất của tỉnh Điện Biên về việc cung ứng giống vật nuôi như vừa nêu ở trên.

Kéo dài thời hạn giải ngân nguồn vốn sự nghiệp

Chính phủ đề xuất thu hồi vốn sự nghiệp của năm 2022 nếu hết năm 2023 chưa giải ngân xong, chỉ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.

Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, việc giao vốn sự nghiệp của chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều bất cập, các văn bản hướng dẫn thực hiện ban hành chậm, tổ chức thực hiện nhiều khó khăn vướng mắc. Các địa phương không phải không muốn làm mà không thể làm được vì cơ sở pháp lý không rõ ràng, nếu cứ làm thì hậu quả về mặt pháp lý là có khả năng dẫn đến rủi ro cho người thi hành công vụ.

Chính phủ có nêu là sẽ chỉ đạo, quyết tâm giải ngân trong năm 2023 nguồn vốn năm 2022 được kéo dài, nếu không giải ngân hết sẽ thu hồi. Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ đến hết tháng 9/2023, nguồn vốn sự nghiệp mới giải ngân được 15%. Nghị định 38 mới ban hành tháng 6 nhưng vẫn vướng mắc, 07 nội dung về cơ chế đặc thù chưa được ban hành thì việc giải ngân nguồn vốn này không khả thi, vô hình trung gây áp lực cho các địa phương.  

Đến thời điểm này hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đã hoàn thiện, nếu kỳ họp này Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nữa thì sẽ đảm bảo cơ sở pháp lý để triển khai, do vậy việc thu hồi vốn là không hợp lý, không nhân văn, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, gây dư luận xấu trong xã hội, làm mất đi phần nào niềm tin của nhân dân vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.

“Đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia đến hết giai đoạn, hoặc cho phép như đề nghị của 48 địa phương mà Chính phủ đã tổng hợp kèm theo Tờ trình 557 (cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2023 sang năm 2024 bao gồm cả kế hoạch vốn của năm 2022 chuyển sang năm 2023)” - Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top