ĐBP - Hôm nay (3/11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá, Quốc hội, Chính phủ đã rất thận trọng và cầu thị, nhất là đối với những chính sách quan trọng, đã nghiên cứu, thiết kế nhiều phương án, phân tích cụ thể ưu, nhược điểm của từng phương án, xin ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan và đại biểu Quốc hội.
Một nội dung mà đại biểu Lò Thị Luyến cũng như nhiều ĐBQH tham gia tại những kỳ họp trước đã được Quốc hội, Chính phủ lắng nghe và tiếp thu đó là quy định về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
“Dự thảo Luật đã quy định theo hướng phân cấp thẩm quyền cho địa phương; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định việc chuyển mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt” - đại biểu Lò Thị Luyến thông tin.
Đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định bãi bỏ khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp như dự thảo Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Nếu được như vậy sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho địa phương về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án có sử dụng đất rừng, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể, đại biểu Lò Thị Luyến cho biết khoản 26 Điều 3 Dự thảo Luật quy định “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”. Nội dung này giữ nguyên như quy định tại Luật Đất đai hiện hành.
Theo đại biểu, thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, không ít người dân vì hám lợi trước mắt đã sử dụng điện để kích giun đất, bắt tận diệt giun đất bán sang bên kia biên giới, làm suy giảm hệ sinh vật và vi sinh vật trong đất, làm suy giảm chất lượng đất, hủy hoại sinh thái môi trường đất, gây bức xúc trong nhân dân. Một số tỉnh đã áp dụng hành vi hủy hoại đất để xử phạt, song quy định này chưa đảm bảo tính thống nhất, vì vậy cần củng cố căn cứ pháp lý rõ ràng hơn làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn, xử lý hành vi trên.
Về lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị quy định theo hướng: Chỉ thực hiện lấy ý kiến công khai rộng rãi đến toàn thể tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với trường hợp lấy ý kiến vào quy hoạch sử dụng đất; còn kế hoạch sử dụng đất chỉ thực hiện lấy ý kiến đối với các phòng, ban, ngành có liên quan.
Lý giải cho đề nghị trên, đại biểu cho rằng, việc lập kế hoạch sử dụng đất được thực hiện dựa trên nhu cầu sử dụng đất trong năm kế hoạch của ngành, lĩnh vực của các cấp, của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký. Việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất chỉ thực hiện trong thời hạn 01 năm, thời gian lập kế hoạch sử dụng đất ngắn với rất nhiều nhiệm vụ, nếu thực hiện thủ tục lấy ý kiến cộng đồng, cá nhân sẽ không đảm bảo tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trước 31/12 hàng năm
Về trưng dụng đất, Dự thảo Luật quy định “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất. Người có thẩm quyền trưng dụng đất không được phân cấp thẩm quyền cho người khác”.
Đại biểu Lò Thị Luyến thông tin, đối chiếu với quy định về phân cấp, ủy quyền tại khoản 1 Điều 13, Điều 14 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, phân cấp là thẩm quyền của cơ quan nhà nước với cơ quan nhà nước; cá nhân không có thẩm quyền phân cấp như dự thảo luật xác định. Do vậy đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa nội dung này thành “Người có thẩm quyền trưng dụng đất không được ủy quyền cho người khác” để đảm bảo tính chính xác trong hệ thống pháp luật.