ĐBQH tỉnh Điện Biên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng

18:31 - Thứ Hai, 06/11/2023 Lượt xem: 5347 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (6/11), kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

Đồng chí Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh chất vấn Bộ Trưởng Bộ Xây dựng.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về nội dung chỉnh trang, xây dựng đô thị.

Đại biểu Tạ Thị Yên nêu: “Thực tiễn cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta tăng lên nhanh chóng. Tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng bộ mặt đô thị Việt Nam vẫn có vẻ chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng của người dân. Các vấn đề còn tồn tại như ùn tắc giao thông, thiếu bãi đỗ xe, úng ngập, xử lý rác thải, thu gom xử lý nước thải, chiếu sáng, diện tích công viên cây xanh, tiếng ồn, bụi mịn… chậm được giải quyết và có xu hướng trầm trọng thêm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh.

Xin được hỏi Bộ trưởng, làm thế nào để chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đối khí hậu, giải quyết triệt để những tồn tại hiện nay và ngăn ngừa phát sinh những tồn tại đó trong tương lai theo chiến lược cũng như công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị ở nước ta?”.

Bộ Trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn của ĐBQH Tạ Thị Yên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06). Nghị quyết đã khẳng định vai trò, hệ thống đô thị Việt Nam, cũng như là đánh giá, nhìn nhận kết quả đạt được, tồn tại, thách thức như ý kiến của đại biểu nêu.

Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động theo Nghị quyết 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 (Nghị quyết 148) thực hiện Nghị quyết 06, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc và hoàn thiện hạ tầng đô thị đúng như ý kiến, mong muốn của đại biểu đặt ra.

Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu: (1) Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; (2) Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; (3) Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; (4) Xây dựng các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành; (5) Xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật.

Với 5 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu này, Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ cụ thể, trong đó: 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Với nhiệm vụ được giao và với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng đang triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: (1) Tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 06 và Nghị quyết 148; (2) Tập trung nghiên cứu xây dựng pháp luật, công cụ để quản lý đô thị như Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Cấp, thoát nước... và các văn bản hướng dẫn; (3) Sớm thẩm định ban hành quy hoạch hệ thống đô thị nông thôn cũng như là đổi mới phương pháp luận quy hoạch nâng lên chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; (4) Đôn đốc, thúc đẩy bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị; (5) Đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình đô thị phù hợp; (6) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; (7) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý đô thị, cán bộ chuyên môn về đô thị, quy hoạch chuẩn hóa khu năng lực của cán bộ đô thị; (8) Xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp. 

Tại kỳ họp này, Quốc hội dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khoá XV, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện 10 nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và khóa XV về giám sát chuyên đề, về chất vấn liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được nhân dân và cử tri hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. 

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top