Cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

10:49 - Thứ Năm, 09/11/2023 Lượt xem: 5090 In bài viết

ĐBP - Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp tại phiên thảo luận ngày 8/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật.

Đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật.

Đại biểu thông tin, hiện nay lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp đang được quy định tại Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, Nghị định số 63/2020/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Qua quá trình tổ chức thực hiện cho thấy, cần thiết phải xây dựng Luật để điều chỉnh những quy định về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII cho đến đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII về “Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội...”.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, một số quy định liên quan đến nội dung chi của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho thực hành động viên công nghiệp và quy định về chế độ, chính sách đối với: cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh tham gia nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt. Chế độ chính sách đối với con người như: người lao động trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh; chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt; người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp được quy định theo hướng liệt kê những nội dung, chính sách cụ thể tại dự thảo Luật.

Theo đại biểu, các nội dung chi này ngoài đảm bảo quy định theo Luật này thì cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế... Mặt khác, trong quá trình tổ chức, thực hiện Luật trên thực tế sẽ có những nội dung phát sinh.

Dẫn chiếu một nội dung cụ thể về quy định về Nhà nước bố trí ngân sách và các nguồn lực khác để hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá; hoặc nhà trẻ, bệnh xá trên địa bàn cần thiết phải duy trì theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. “Các nội dung này đã được quy định tại Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008, Pháp lệnh Động viên công nghiệp năm 2003, nhưng tại thời điểm đó đối với lĩnh vực y tế, giáo dục thì hạ tầng còn khó khăn, do đó quy định là phù hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này các nội dung này cần phải nghiên cứu cho phù hợp với thực tế” - Đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến.

Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, còn chính sách cụ thể nên giao Chính phủ quy định để đảm bảo tính linh hoạt, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top