Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Tiếp tục Chương trình phiên họp giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ 6, sáng 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đề xuất chưa thông qua dự án Luật tại Kỳ họp thứ 6
Báo cáo, giải trình tiếp thu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 3/11/2023, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, ý kiến đại biểu Quốc hội về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.
Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong dự thảo Luật, vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, việc thông qua dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.
Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của Luật đi vào cuộc sống.
“Nội dung này đã được báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, ưu tiên chất lượng của dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo, xin ý kiến UBTVQH xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp 6 (dự kiến vào ngày 29/11/2023)”, ông Vũ Hồng Thanh nói.
14 nội dung còn ý kiến khác nhau
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, báo cáo số 678/BC-UBTVQH đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận đối với 04 nội dung có 01 phương án và 22 nội dung có 02 phương án. Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 04/26 nội dung ý kiến đại biểu Quốc hội tương đối tập trung; 15/26 nội dung có ít ý kiến địa biểu Quốc hội tham gia, chưa rõ xu hướng ý kiến, ý kiến tham gia còn phân tán, chưa thống nhất; 07/26 nội dung không có ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia.
Trên cơ sở ý kiến đa số trong UBTVQH về các nội dung lớn của dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 và trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Về phương án chính sách thể hiện tại dự thảo Luật, có 06/26 nội dung đã tiếp thu gọn còn 01 phương án; 14/26 nội dung còn có 02 phương án; 01/26 nội dung cần có thông tin làm rõ; 05/26 nội dung Đảng đoàn Quốc hội đã báo cáo cấp có thẩm quyền.
Trong đó, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu cụ thể 14 nội dung còn 02 phương án gồm:
Về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28).
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34).
Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60).
Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện (Điều 76).
02 nội dung về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (điểm b khoản 1 và khoản 6 Điều 128).
Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79, điểm b khoản 1 Điều 126, điểm a khoản 1 Điều 127, khoản 1 và khoản 6 Điều 128).
Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159).
03 nội dung về phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất (Điều 113, Điều 115 và Điều 116).
Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản (Điều 118, Điều 120, Điều 125 và Điều 156).
Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 3 Điều 202).
Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công (Điều 261).
Về các nội dung còn các phương án khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo và các cơ quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất./.