Sáng 16-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp.
Hoàn thiện quy định về công trình lưỡng dụng
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về công trình lưỡng dụng quy định tại Điều 7 dự thảo luật, có ý kiến đề nghị chỉnh lý khoản 6 theo hướng bổ sung những quy định đặc thù trong quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng; rà soát nội dung điều này để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.
Theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, khoản 6 Điều 7 dự thảo luật đã quy định cụ thể về nội dung quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng khi được sử dụng cho mục đích dân sự hoặc quân sự, quốc phòng hoặc sử dụng cả mục đích quân sự, quốc phòng và dân sự mà không phân loại theo hình thức sở hữu của công trình.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm khi áp dụng luật phù hợp với các đối tượng khác nhau sở hữu công trình dân sự có tính lưỡng dụng (sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân) và tránh chồng chéo trong các quy định của pháp luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý, khoản 2 Điều 7 thành: “Cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư, dự án công trình dân sự có tính lưỡng dụng có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về tính lưỡng dụng của công trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Khoản 4 Điều 7 có nội dung: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng, bãi bỏ sử dụng lưỡng dụng đối với công trình quốc phòng”.
Điểm a khoản 6 Điều 7 có nội dung: “Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan và được lập hồ sơ quản lý, thống kê, kiểm kê công trình theo quy định tại Điều 10 và Điều 14 của luật này”.
Quy định rõ thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng
Về chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự (Điều 12), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tại khoản 3 quy định chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng thuộc công trình quốc phòng và khu quân sự phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội; đề nghị chỉ quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thẩm quyền quyết định mà không phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã thống nhất với Thường trực Ủy ban Pháp luật, đề nghị chỉnh lý khoản 3 theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác đối với các trường hợp không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần chuyển mục đích sử dụng để phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh hoặc còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Việc thu hồi đất đối với diện tích đất có công trình quốc phòng và khu quân sự được chuyển sang mục đích khác thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự (trong phạm vi Bộ Quốc phòng, vẫn sử dụng cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng) được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở luật hóa các quy định của pháp luật về thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong quản lý, sử dụng tài sản công đã thực hiện ổn định. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo luật. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý đạt đồng thuận cao
Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã được cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Quốc phòng phối hợp với nhau và phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan rất chặt chẽ; nghiên cứu, tiếp thu rất thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Bày tỏ thống nhất với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, giải trình, các đại biểu góp ý thêm về một số vấn đề, chủ yếu liên quan tới kỹ thuật lập pháp và biên tập câu chữ để hoàn thiện thêm dự án luật.
Phát biểu tiếp thu tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Thượng tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 Kỳ họp thứ sáu.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; cho rằng các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đều đạt được sự đồng thuận cao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát thêm dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là tương thích với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Quốc hội đang xem xét; tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có chất lượng rất tốt, đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 Kỳ họp thứ sáu; tin tưởng dự thảo luật sẽ được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao.