ĐBP - Ngày 17/11, UBND tỉnh họp phiên tháng 11 (lần 2), xem xét, thảo luận tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2024; nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương năm 2023; dự toán và phân bổ ngân sách địa phương năm 2024; các tờ trình, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Theo dự thảo báo cáo, năm 2023 các ngành sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối ổn định; mô hình liên kết trong thực hiện chính sách hỗ trợ thuộc các Chương trình MTQG bước đầu có những tín hiệu tích cực. Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tỉnh đang tạm dừng hoạt động Cảng Hàng không. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm, giảm nghèo... đạt được những kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh kết qả đạt được vẫn còn những hạn chế: Tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2023 dự kiến không đạt so với mục tiêu kế hoạch đặt ra. Thu ngân sách trên địa bàn còn thấp so với dự toán được HĐND tỉnh giao, các khoản thu từ đấu giá đất đạt thấp. Tiến độ thanh toán giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp so với mục tiêu giải ngân, ước đến 30/11/2023 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 49,85% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp mới đạt 20,21% dự toán được giao năm 2023. Một số dự án ngoài ngân sách của các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư triển khai còn chậm, đặc biệt là các dự án trồng cây mắc ca. Tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu...
Đại biểu dự họp thảo luận về việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, dự án trồng cây mắc ca; hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới; công tác CCHC, chuyển đổi số; rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đánh giá cao những ý kiến đóng góp của của các đại biểu vào dự thảo báo cáo. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị xây dựng báo cáo cần rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cần so sánh với cả nhiệm kỳ để thấy được sự nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, bổ sung đánh giá kỹ các nội dung: Công tác trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng; các chính sách an sinh xã hội, hoạt động chuẩn bị cho kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ; công tác CCHC, chuyển đổi số, hoạt động của các trang thông tin điện tử cấp xã; công tác sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Đặc biệt làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến kết quả một số mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt. Đối với năm 2024, cần dự báo rõ tình hình bối cảnh kinh tế để đặt ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế phù hợp, sát thực tế. Nghiên cứu, rà soát bổ sung thêm nội dung: Công tác quy hoạch, xây dựng cấp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050; sớm phân bổ chi tiết nguồn vốn đầu tư công; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển các mô hình theo chuỗi liên kết; tiến độ thực hiện các dự án, cây công nghiệp, lâm nghiệp, cây ăn quả, xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực công nghiệp xây dựng sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý, công tác giải phóng mặt bằng các dự án mới khởi công năm 2024. Công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Phiên họp tháng 11 (lần 2) dự kiến trong 2,5 ngày, từ ngày 17 đến sáng 19/11.