Đấu tranh với chính mình - biện pháp không bao giờ cũ

09:45 - Thứ Ba, 21/11/2023 Lượt xem: 6301 In bài viết

Thời gian qua, có nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, bị xử lý kỷ luật, trong đó không ít người giữ chức vụ lãnh đạo. Nguyên nhân của tình trạng này do đâu?

Đọc cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi tâm đắc bài viết “Tăng cường xây dựng Đảng - Yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số tháng 3/2008) bởi đã lý giải, chỉ ra được nguyên nhân sâu xa của tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm bị kỷ luật. Đó là chủ nghĩa cá nhân, là việc cán bộ, đảng viên không thắng được những cám dỗ, lợi ích diễn ra trước mắt.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi từng cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên phải năng động, sáng tạo, biết tư duy làm kinh tế, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung, vì đời sống của nhân dân, đồng thời vẫn phải giữ được liêm chính. Nhưng trong thực tế, có nhiều khi cán bộ, đảng viên không giữ được liêm chính, đã sa ngã do không thắng được bản thân trong cuộc đấu tranh tư tưởng.

Tổng Bí thư đã chỉ ra các hoàn cảnh như: Trong điều kiện hiện nay, cán bộ, đảng viên chúng ta đi công tác nước ngoài khắp mọi nơi ai quản lý, ai biết; giao dịch với nước ngoài ai biết, làm sao để không bị co kéo mua chuộc? Trong xây dựng cơ bản, trong mua sắm, biết bao nhiêu thứ phết, phẩy, phần trăm, những thứ không thành văn…

Vậy làm sao để không bị sa ngã? Làm gì để chiến thắng được những cám dỗ trong từng công việc hằng ngày? Trả lời câu hỏi ấy, cũng trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh giải pháp phải nâng cao tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên.

Cụ thể là đấu tranh với tình trạng trì trệ, không phát triển; chiến đấu với việc làm sai trái; đấu tranh với chính bản thân mình để vượt lên những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; đấu tranh chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Không phải chỉ từng cá nhân cán bộ, đảng viên đấu tranh mà cả tổ chức cũng phải nâng cao tính chiến đấu. Về vấn đề này, Tổng Bí thư lại nêu câu hỏi: Chúng ta đã nói nhiều về chống tham nhũng nhưng có mấy chi bộ phát hiện đâu.

Khi bình chọn cuối năm thì hầu hết đảng viên là đủ tiêu chuẩn và chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhưng đơn thư tố cáo thì rất nhiều và tình trạng tham nhũng có cả ở đấy. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng chưa cao hoặc là đang bị suy giảm.

Tổng Bí thư chỉ ra điều ấy và cho rằng: Liên hệ trong từng chi bộ, từng con người xem tính chiến đấu đã đủ mức chưa. Nói là tự phê bình và phê bình chứ vẫn ca ngợi nhau là chính, chưa nhìn thẳng vào sự thật, cũng e dè, nể nang với trăm thứ lý do, nhất là sợ bị trù dập cho nên cứ bùng nhùng thế thôi, đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh, “quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật”. Trung bình chủ nghĩa không vươn lên là kém tính chiến đấu.

Những quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư nêu trong bài viết gợi mở nhiều vấn đề sâu sắc trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Qua các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã và đang bị phanh phui, điều tra, xử lý cho thấy, cuộc đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân trong mỗi người vô cùng khó khăn.

Bên cạnh nâng cao tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng với cơ chế giám sát chặt chẽ ngày càng phải quyết liệt, triệt để thì dám đấu tranh với chính mình cũng cần được xem là biện pháp quan trọng. Bởi vậy, tâm đắc với bài viết, tôi càng thấm thía việc mỗi người phải thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện, đấu tranh với chính mình để giữ gìn liêm chính. Đây là một giải pháp căn cơ góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top