Còn tình trạng sai sót khi xử lý đơn thư từ cơ sở

10:16 - Thứ Năm, 23/11/2023 Lượt xem: 4841 In bài viết

Công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người (tăng 296%).

Sáng 22-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày báo cáo của Chính phủ.

Tiếp nhận 453.097 đơn khiếu nại, tố cáo

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Về công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính, trong năm 2023 đã có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc; có 2.943 đoàn đông người.

Các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 453.097 đơn các loại; đã xử lý 428.955 đơn, có 348.181 đơn đủ điều kiện, bao gồm 52.637 đơn khiếu nại, 22.342 đơn tố cáo; có 29.040 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Kết quả giải quyết khiếu nại là 17.463/21.374 vụ việc, đạt 81,7%; giải quyết 6.618/7.666 vụ việc tố cáo, đạt 86,3%.

Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết đối với 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Thanh tra Chính phủ hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia để các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng. Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và Kiểm toán Nhà nước không có vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Về thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã tiến hành 1.531 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo tại 2.408 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã ban hành 1.283 kết luận. Qua thanh tra, kiến nghị xử lý hành chính đối với 233 tổ chức và 520 cá nhân có vi phạm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng việc thực hiện tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ theo quy định của luật; chất lượng xử lý đơn ở một số địa phương chưa cao, còn tình trạng sai sót, nhầm lẫn, chưa xem xét xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính thấp hơn so với năm 2022 và chưa đạt mục tiêu; chất lượng giải quyết ở một số địa phương còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có nơi còn chậm, chưa triệt để. Việc kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương chưa chủ động, còn chậm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở còn hạn chế

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Qua báo cáo cho thấy, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật đối với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên, việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người (tăng 296%), cho thấy hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp 91%); đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực (chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp 79%), cao hơn 2% so với năm 2022 (77%) và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021 (56%). Tuy nhiên, đối với cấp bộ, chỉ đạt 60% theo quy định.

Dự báo, năm 2024, tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, điểm nóng phát sinh khiếu nại, tố cáo hành chính vẫn liên quan đất đai, môi trường, nhất là đối với các dự án phải thu hồi đất, bồi thường, tái định cư...

“Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ cụ thể, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top