Thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), bổ sung hạ sĩ quan lực lượng vũ trang được thuê nhà ở công vụ

10:16 - Thứ Hai, 27/11/2023 Lượt xem: 4448 In bài viết

Dự thảo luật quy định người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc QĐND, CAND thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ khi được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.

Với 85,63% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày cho biết, về đối tượng được thuê nhà ở công vụ (Điều 45), có ý kiến đề nghị bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 45 đối tượng được thuê nhà ở công vụ là: người làm công tác cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh, cơ yếu không phụ thuộc vào địa bàn công tác; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại vùng sâu, vùng xa.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, so với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 5 đã bổ sung đối tượng "hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân" được thuê nhà ở công vụ. Tiếp thu ý kiến ĐBQH và ý kiến của Chính phủ, dự thảo luật do UBTVQH trình Quốc hội tại phiên thảo luận Hội trường ngày 26/10/2023 đã mở rộng thêm đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và tổ chức cơ yếu được thuê nhà ở công vụ.

Theo đó, người làm công tác cơ yếu và công tác khác trong tổ chức cơ yếu là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc QĐND, CAND đã thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ khi được điều động, luân chuyển, biệt phái theo yêu cầu quốc phòng, an ninh.

Nếu tiếp tục bổ sung, mở rộng thêm đối tượng như đề nghị nêu trên trong khi điều kiện nguồn lực nhà nước cho phát triển nhà ở công vụ còn khó khăn sẽ khó bảo đảm tính khả thi. Báo cáo số 642 ngày 16/11/2023 của Chính phủ cũng chưa làm rõ được kinh phí ngân sách nhà nước cần đầu tư để xây dựng quỹ nhà ở công vụ đáp ứng việc mở rộng thêm phạm vi đối tượng được thuê nhà ở công vụ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo.

Bên cạnh đó, việc bổ sung đối tượng được thuê nhà ở công vụ theo đề nghị trên sẽ ảnh hưởng đến sự cân đối, đồng bộ về chính sách nhà ở công vụ đối với các nhóm đối tượng khác trong hệ thống chính trị, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 45 của dự thảo luật thì cán bộ, công chức phải giữ chức vụ nhất định, như ở Trung ương phải là Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và tương đương trở lên, ở địa phương phải là Phó Chủ tịch UBND cấp huyện, Phó Giám đốc Sở và tương đương trở lên mới thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không giữ chức vụ, chỉ được thuê nhà ở công vụ khi được điều động, luân chuyển, biệt phái đến công tác tại xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.

"Vì các lý do nêu trên, UBTVQH đề nghị trong giai đoạn hiện nay chỉ mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn cung nhà ở công vụ, sau này, khi điều kiện cho phép sẽ xem xét, tiếp tục mở rộng thêm nữa", Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lý giải.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết tại hội trường.

Theo đó, việc tiếp thu, chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 45 như dự thảo luật là phù hợp; đồng thời, để bảo đảm bao quát, linh hoạt giải quyết các trường hợp đặc thù có thể phát sinh trong thực tiễn, UBTVQH xin tiếp thu, chỉnh lý điểm g khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật như sau: "(g) Căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, UBND cấp tỉnh".

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (khoản 4 Điều 80), UBTVQH xin tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.

Phương án này đã có sự đồng thuận cao giữa UBTVQH, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đa số ý kiến ĐBQH; đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH sau Kỳ họp thứ 5, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực thi hành cao, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn thí điểm trước đây theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do chưa được luật quy định.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top