Quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

12:37 - Thứ Ba, 28/11/2023 Lượt xem: 5613 In bài viết

ĐBP - Ngày 28/11, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp xã trong toàn quốc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị được quán triệt các nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 4, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật gồm 6 chương 91 điều, quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân trong việc đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy quyền làm chủ, vai trò tự quản của nhân dân. Luật cụ thể hóa đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đánh giá việc tổ chức quán triệt, phổ biến nghiên cứu, học tập Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở giúp các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; phát huy dân chủ, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đề nghị các bộ, ngành địa phương tập trung phổ biến quán triệt sâu rộng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến cán bộ công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với Luật.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top