Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

13:17 - Thứ Tư, 20/12/2023 Lượt xem: 4219 In bài viết

Ngày 19/12, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một thông tin rất vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương.

Hải Dương đặt mục tiêu đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị lớn có sức thu hút, lan tỏa mạnh ở trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Quy hoạch tỉnh nêu rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển, các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của Hải Dương; phương án phát triển các ngành quan trọng, phương hướng tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn; phương án phát triển các khu chức năng; phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện, liên huyện; phân bổ và khoanh vùng đất đai…

Mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, đô thị lớn

Quy hoạch tỉnh xác định, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển

Các nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh xác định là: Giải quyết hợp lý, hài hòa các mâu thuẫn, xung đột có tính chất liên ngành, liên tỉnh thông qua việc đánh giá thực trạng phát triển và tích hợp các định hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, tổng thể vào các hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh; lấy kinh tế số là yếu tố quan trọng trong mọi lĩnh vực. Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho các ngành kỹ thuật cơ khí, điện tử, logistics, y tế, giáo dục…; chú trọng hoạt động của các cơ sở đào tạo gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động. Ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Huy động nguồn lực, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trong phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng mang tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng nhanh, thuận lợi và hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và hướng tới cho toàn vùng đồng bằng sông Hồng. Phát triển đô thị theo hướng xanh, hiện đại, thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các đột phá phát triển là: Tập trung phát triển năm trụ cột chính bao gồm: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, hiện đại, thông minh; Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; Bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Xây dựng ba nền tảng hỗ trợ: Văn hóa và con người xứ Đông - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Hình thành bốn trục phát triển không gian: Trục phát triển Bắc - Nam; Trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; Trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; Trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.

Hệ thống đô thị và các vùng huyện của tỉnh sẽ như thế nào?

Hệ thống đô thị của tỉnh gồm 28 đô thị, trong đó có 14 đô thị hiện trạng và thêm 14 đô thị mới.

Quy hoạch xác định tỉnh Hải Dương phát triển hệ thống 28 đô thị, trong đó có 14 đô thị hiện trạng và thêm 14 đô thị mới. Cụ thể: 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 7 đô thị loại IV và 18 đô thị loại V.

Vùng phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ được quy hoạch tại Ninh Giang, Thanh Hà... 

Phương án quy hoạch xây dựng các vùng huyện như sau:

Vùng huyện Bình Giang: là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía tây nam tỉnh Hải Dương và khu vực lân cận. Tập trung phát triển công nghiệp và đô thị, là cơ sở để quy hoạch, phát triển lên đô thị loại IV và thành lập thị xã trước năm 2030.

Vùng huyện Thanh Miện: là vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp động lực của tỉnh.

Vùng huyện Gia Lộc: là vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp, làng nghề, chế biến nông sản thực phẩm.

Vùng huyện Ninh Giang: là vùng phát triển nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp có công nghệ tiên tiến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại.

Vùng huyện Tứ Kỳ: là vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với dịch vụ thương mại, làng nghề và du lịch sinh thái, trải nghiệm; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ.

Vùng huyện Thanh Hà: là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; phát triển đô thị sinh thái gắn với dịch vụ thương mại; công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Vùng huyện Nam Sách: là vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại; trung tâm sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vùng huyện Kim Thành: là vùng phát triển công nghiệp - nông nghiệp - đô thị - dịch vụ. Ưu tiên thu hút các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến; dịch vụ, thương mại...

Vùng huyện Cẩm Giàng: là vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp then chốt, trung tâm sản xuất và chế biến nông sản. Là vùng du lịch - văn hóa kết hợp với làng nghề truyền thống.

Phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính

Cơ khí chế tạo là một trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Hải Dương phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ; Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.

Hải Dương sẽ phát triển công nghiệp theo 3 vùng: Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện; Vùng công nghiệphỗ trợ tại thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng; Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; có khả năng cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng. Chú trọng phát triển ngành thương mại - dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cụ thể: Phát triển hệ thống thương mại đồng bộ, hiện đại. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hình ảnh của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phát triển các dịch vụ chất lượng cao, gắn liền với phát triển đô thị và các khu công nghiệp; phát triển dịch vụ logistics để phát huy lợi thế kết nối trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2030 phát triển 8 trung tâm logistics ở TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn và các huyện: Bình Giang, Kim Thành, Thanh Hà, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Ninh Giang.

Phát triển du lịch chuyên nghiệp hiện đại, sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn trong đó chú trọng du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và các khu, điểm du lịch khác để hình thành các tuyến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nội tỉnh và liên tỉnh.

Ngành dịch vụ được xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Về du lịch, bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá phi vật thể; trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh; đẩy mạnh và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, đặc biệt những ngành có thế mạnh của tỉnh như: kiến trúc, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hoá. Phát triển phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao ở những môn có thế mạnh; quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao phục vụ đời sống nhân dân.

Hải Dương sẽ phát triển du lịch theo hướng chú trọng du lịch tâm linh văn hóa.

Phát triển du lịch theo hướng chú trọng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn và du lịch làng nghề. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao, gắn với các hoạt động du lịch vui chơi, giải trí và trải nghiệm.

Trên địa bàn tỉnh có 4 khu du lịch cấp tỉnh được công nhận: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Phượng Hoàng; khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quần thể Đền Cao (cùng thuộc TP Chí Linh); Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn). Trong đó từng bước đầu tư hạ tầng khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đạt tiêu chí công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm tiềm năng đầu tư, phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh: Khu du lịch nghỉ dưỡng - thiền (dưỡng sinh) hồ Bến Tắm và rừng Thanh Mai (Chí Linh); Khu du lịch nghỉ dưỡng “Làng quê Việt” (Thanh Hà); Khu du lịch sinh thái Đảo Cò (Thanh Miện); Khu du lịch Đảo Ngọc (TP Hải Dương); Khu du lịch văn hóa Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng).

Việc quy hoạch tỉnh được thông qua có ý nghĩa rất quan trọng với Hải Dương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ quy hoạch các cấp, các ngành. Từ đó định hình các đột phá chiến lược trong cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, biến thách thức thành cơ hội, tăng cường thu hút đầu tư sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.

Quy hoạch này là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý để chính quyền các cấp của tỉnh sử dụng khi hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển. Quy hoạch cung cấp thông tin, căn cứ đầy đủ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu đầu tư, kinh doanh, sinh sống tại Hải Dương.

Theo baohaiduong.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top