Ngành Nội vụ triển khai 6 giải pháp 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

17:32 - Thứ Tư, 20/12/2023 Lượt xem: 5319 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (20/12), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Trong năm 2023 ngành Nội vụ đã tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách pháp luật bảo đảm tính khả thi. Đến nay các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ đã cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của nền hành chính nhà nước và sự phát triển của đất nước. Ngành kịp thời tham mưu điều chỉnh lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng 20,8%) từ ngày 01/7/2023.

Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính. Theo đó, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị SNCL; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị. Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người.

Công tác CCHC được thực hiện quyết liệt, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các lĩnh vực cơ bản, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nội vụ thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục: Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Việc sắp xếp, sáp nhập, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập ở nhiều nơi còn mang tính cơ học. Công tác Chuyển đổi số ngành Nội vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa nhận được sự quan tâm đúng mức…

Triển khai nhiệm vụ năm 2024, ngành Nội vụ đề ra 6 giải pháp, 10 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, cơ bản hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; xây dựng chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chính quyền cấp xã; chú trọng CCHC, tiết giảm chi phí xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước…

Đại biểu một số địa phương đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện; ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị SNCL thuộc ngành, lĩnh vực…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành Nội vụ trong năm 2023; đặc biệt là trong công tác xây dựng thể chế. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cùng với các bộ, ngành địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng thể chế; chú trọng công tác thi đua khen thưởng; làm tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận, có chính sách thu hút nhân tài.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top