Bộ Tư pháp triển khai nhiệm vụ năm 2024

18:11 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 4854 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (25/12), Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ 2021-2026.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Năm 2023 hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều đạt tăng so với năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng. Qua đó góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật (THPL) nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Công tác tổ chức THPL, theo dõi THPL tiếp tục được ngành Tư pháp quan tâm, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của từng năm, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật. Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường với nhiều mô hình hiệu quả.

Về công tác thi hành án dân sự (THADS), kết quả năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng. Trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022…

Năm 2024, ngành Tư pháp tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm: Kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa kịp thời, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác Tư pháp; thực hiện nghiêm Quy định số 132 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Đề án số 06…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận những kết quả đã đạt được của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội  của các địa phương và đất nước. Để thực hiện tốt công tác Tư pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp cần xây dựng thể chế có chất lượng; tính toán đề xuất sửa đổi các văn bản QPPL; thẩm định các dự thảo văn bản trình Chính phủ có chất lượng, kịp thời. Nâng cao chất lượng công tác THPL, đưa pháp luật vào cuộc sống một cách “dễ nghe, dễ hiểu, dễ thấm”.

Tin, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top