Triển khai nhiệm vụ tài chính năm 2024

17:01 - Thứ Tư, 27/12/2023 Lượt xem: 5168 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (27/12), Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; thảo luận nhiều nội dung liên quan đến chính sách tài chính cho các vùng miền.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Năm 2023, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng). Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử.

Đến ngày 25/12/2023, thu NSNN đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% (tăng 72,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán; trong đó, thu nội địa đạt 105,7% dự toán, thu từ dầu thô đạt 144,6% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 92,1% dự toán. Đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng trên 193 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN đến ngày 31/12/2023 ước đạt khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, bằng trên 83% dự toán.

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến chính sách, kiến nghị điều chỉnh một số nội dung để phù hợp với đặc thù vùng, miền địa phương.

Năm 2024, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo nghị quyết của Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh: Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top