Hỗ trợ phát triển công nghệ số

15:28 - Thứ Ba, 02/01/2024 Lượt xem: 5502 In bài viết

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện có bước phát triển và trưởng thành khi ngày càng có nhiều sản phẩm nền tảng số, ứng dụng số được tạo ra. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, từ năm 2019 đến nay, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%, riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện cả nước có hơn 1.400 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu đang tiến dần tới mốc 10 tỷ USD.

 

Tuy đạt những kết quả nêu trên, nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ số có giá trị gia tăng của sản phẩm dịch vụ công nghệ số ở mức thấp, năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ mới còn kém. Mặt khác, các đơn vị trong lĩnh vực này chưa chú trọng phát triển chất lượng, thương hiệu sản phẩm dịch vụ; thiếu định hướng công nghệ và hệ sinh thái công nghệ; thiếu tài nguyên dữ liệu chất lượng và nền tảng chia sẻ, khai thác dữ liệu chưa hiệu quả...

Nhiều doanh nghiệp công nghệ số vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không đủ lớn, khó khăn trong việc đầu tư cho các sản phẩm, nền tảng công nghệ mới hay các giải pháp số. Khi bị phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước sẽ thua thiệt, tác động chung đến sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ Việt Nam.

Đáng chú ý, đầu ra của ngành công nghiệp công nghệ số phần lớn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, các sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Các doanh nghiệp công nghệ số đang phải đối mặt với sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận được dữ liệu của các đơn vị, cơ quan tổ chức để phát triển sản phẩm, dịch vụ, dẫn đến việc thiếu tư liệu sản xuất (dữ liệu) và làm cho các doanh nghiệp công nghệ số gặp khó khăn trong việc phát triển sản xuất. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong nước vừa là lợi thế, nhưng cũng dễ mất lợi thế về nhân lực giá rẻ, trong khi nhân lực chất lượng cao chưa được hình thành...

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của phát triển công nghệ số trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự quyết tâm phát triển công nghiệp công nghệ số.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) đã chỉ rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử là con đường chủ đạo; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá; chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Mục tiêu đến năm 2030, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhà nước, các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách, quy định cụ thể cho việc xây dựng, vận hành và duy trì cơ sở dữ liệu về chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam. Có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số, như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, ưu đãi vay vốn... Bên cạnh đó, cần có chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam thông qua các tiêu chí thống nhất cho nền tảng chuyển đổi số quốc gia hay các nguyên tắc, tiêu chí xác định nền tảng số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số Việt Nam cần hạn chế sở hữu nước ngoài.

Các doanh nghiệp công nghệ số phải lấy chất lượng và thương hiệu Make in Vietnam làm nền tảng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và luôn có lực lượng tiếp nối. Nhà nước cần ưu tiên bố trí ngân sách cho sử dụng sản phẩm dịch vụ số, đồng thời có các chính sách, gói kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, tiếp cận về công nghệ số. Tăng cường kết nối, xúc tiến hợp tác quốc tế để tìm kiếm thị trường mới. Hiện nay, nguồn tài nguyên dữ liệu dùng chung của quốc gia đang dần hình thành, chuẩn hóa và chia sẻ, các doanh nghiệp công nghệ số tập trung triển khai hoạt động sản xuất, thương mại ưu tiên hạ tầng số, dịch vụ số và nội dung số.

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top