Chính phủ đề xuất nhiều giải pháp, chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Chiều 8-1, tại Phiên họp thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến thành xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. |
8 cơ chế đặc thù nào đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia?
Trình dự thảo nghị quyết về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nghị quyết đề xuất 8 cơ chế đặc thù gồm: Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hằng năm; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia; cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về thủ tục hành chính trong lựa chọn dự án phát triển; sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
Đáng chú ý, trong đó, về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ đề xuất cho phép: HĐND cấp tỉnh được điều chỉnh dự toán ngân sách Trung ương hỗ trợ năm 2024 và dự toán các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo nguyên tắc không vượt quá tổng dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao.
UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, năm 2022, năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 trong tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch...
Toàn cảnh phiên họp. |
Chọn lọc các cơ chế, chính sách thiết thực, cần thiết và rà soát kỹ lưỡng
Phát biểu góp ý về dự thảo nghị quyết tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết của nghị quyết và ghi nhận vai trò tích cực của Chính phủ, của các cơ quan có thẩm tra. Nhấn mạnh một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để thể hiện tên gọi một cách ngắn gọn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nguyên tắc, cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng; phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp. |
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đồng tình với việc Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia theo đề xuất của Đoàn giám sát của Quốc hội.
Nhấn mạnh thời gian thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia không còn dài, chỉ còn 2 năm nữa, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị chọn lọc các cơ chế, chính sách thiết thực và cần thiết, rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định để khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành có thể thực hiện được ngay, bảo đảm đúng mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các chương trình đạt được theo yêu cầu.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ thống nhất và đánh giá cao với sự cần thiết của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù là xuất phát từ thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của các chương trình này trong thời gian tới.
Về các cơ chế, chính sách đặc thù, cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí và đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các chính sách nhằm thể hiện đầy đủ nội dung đã được giao, sát với tình hình thực tiễn và bảo đảm khắc phục được những khó khăn, vướng mắc.
“Riêng chính sách 4 và chính sách 5 thì cần nghiên cứu để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn đến cùng”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ, chỉnh lý dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng; đề nghị Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên thẩm tra chính thức về nội dung này để kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 sắp tới.