Nên đánh thuế sử dụng đất đai để nâng cao hiệu quả sử dụng

16:17 - Thứ Năm, 18/01/2024 Lượt xem: 3721 In bài viết

Liên quan việc đánh thuế người có nhiều cơ sở nhà đất, Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, vấn đề này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai. Tuy nhiên, cá nhân ông mong muốn nên làm để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai.

Sáng 18/1, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì Họp báo về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Tại họp báo, các phóng viên vẫn quan tâm về những điểm nhấn đột phá của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này; việc xem xét, cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp không có giấy tờ, không vi phạm pháp luật về đất đai trước 1/72014; cũng như việc ban hành nghị định hướng dẫn để kịp thời đưa luật vào cuộc sống, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, nếu liệt kê một cách chi li thì Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có hàng trăm điểm mới. Tuy nhiên, cá nhân ông trong quá trình tham gia nghiên cứu dự án luật, tạm khu trú thành 5 nhóm nội dung mới như sau:

Các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất (mở rộng quyền sử dụng đất với đối tượng là công dân Việt Nam định cư nước ngoài; chính sát đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số); nhóm tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp (thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; mở rộng quỹ đất; quỹ đất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ); nâng cao hiệu quả sử dụng đất (đất sử dụng kết hợp đa mục đích; vấn đề nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng tích tụ đất quy mô lớn); tài chính đất đai (định giá đất; chính sách hỗ trợ, miễn giảm về đất; chính sách ổn định tiền thuê đất); nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với sử dụng đất đai (cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân; nâng cao chất lượng thông tin, dữ liệu về đất đai, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận; có cơ chế huy động, tạo thuận lợi cho người dân tham gia giám sát, xây dựng thông tin quản lý về đất đai).

Toàn cảnh họp báo.

Liên quan việc cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp không có giấy tờ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Điều 138 Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định chi tiết nội dung này. Cụ thể là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2014.

"Với tính chất của Luật Đất đai thì không thể quy định chi tiết hơn trong luật. Thêm vào đó, thực tiễn rất đa dạng nên buộc phải giao Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết trường hợp nào, thời điểm nào, hồ sơ, giấy tờ ra sao, điều kiện cấp ra sao", ông nêu.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, khi trình Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ trình kèm theo các dự thảo nghị định để hướng dẫn thi hành chi tiết luật này. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 65 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, có nghĩa Chính phủ phải ban hành các nghị định để hướng dẫn 65 điều khoản chi tiết thi hành luật. Nhưng đó chỉ là dự kiến, trong quá trình soạn thảo, số lượng nghị định có thể tăng hoặc giảm, quan trọng nhất là nội dung hướng dẫn đầy đủ.

"Nếu Chính phủ thấy 1 nghị định có thể hướng dẫn nhiều hơn 1 điều khoản của luật thì sẽ gộp việc hướng dẫn nhiều điều khoản trong một nghị định", ông nói và mong Chính phủ sớm có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành luật, trong đó xác định chính xác các nghị định, cơ quan nào là đầu mối chủ trì tham mưu soạn thảo...

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu trả lời câu hỏi của phóng viên.

Liên quan việc đánh thuế người có nhiều cơ sở nhà, đất, Thường trực Uỷ ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết, để phát huy tốt hơn những quy định mà dự kiến tác động đến Luật Đất đai, không chỉ mình Luật Đất đai đảm nhiệm được mà đòi hỏi có sự thay đổi của rất nhiều chính sách, ví dụ chính sách về thuế.

"Tuy nhiên, việc này lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, mà thuộc phạm vi điều chỉnh về lĩnh vực thuế. Cá nhân tôi cũng rất mong muốn nên làm, toàn bộ chính sách về thuế nói chung, trong đó có việc đánh thuế sử dụng đất đai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai", ông nêu quan điểm.

Chia sẻ thêm về việc Quốc hội biểu quyết thông qua 2 dự án luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp bất thường hay kỳ họp thường kỳ đều có giá trị pháp lý như nhau, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như nhau. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội họp một năm 2 lần và họp bất thường khi có đề nghị của các chủ thể. Sau này nếu sửa Hiến pháp thì tên kỳ họp mới thay đổi, còn nội dung kỳ họp là để giải quyết những vấn đề cụ thể.

"Vấn đề khi đã chín, đã rõ, đã được đồng thuận thì không có lý do gì không thông qua; nếu chúng ta để lại kỳ họp sau thì sẽ làm chậm sự phát triển, ảnh hưởng đến quản trị quốc gia liên quan các lĩnh vực này, đặc biệt, trước đòi hỏi của thực tiễn, mong muốn của cử tri và nhân dân", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top