Nâng "sức mạnh" cho các chương trình mục tiêu quốc gia

09:48 - Thứ Năm, 25/01/2024 Lượt xem: 3998 In bài viết

Tại kỳ họp bất thường lần thứ năm vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, với 8 cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong nghị quyết sẽ "gỡ vướng" những vấn đề các địa phương đang gặp khó khăn...

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV.

Tạo nhiều cơ chế, chính sách đặc thù

Thực tế, quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại nhiều địa phương vùng dân tộc, miền núi gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là nguồn vốn giao lớn nhưng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn các nội dung thực hiện chưa có, như tiểu dự án 1, dự án 9 thuộc Nghị quyết số 88/2019/QH14 (Nghị quyết 88) của Quốc hội về hỗ trợ nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, hằng năm bố trí vốn lớn song chưa có quy định, hướng dẫn chi cụ thể.

Một số dự án vốn giao lớn nhưng định mức chi, nội dung chi chưa phù hợp với địa phương. Bên cạnh đó, một số dự án được cấp vốn lớn song văn bản quy định về nội dung, định mức chi ban hành muộn, dẫn đến áp lực giải ngân cho địa phương. Trong khi đó, các chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều nội dung toàn diện, liên quan nhiều lĩnh vực, hệ thống văn bản quy định hoàn toàn mới và chưa hoàn thiện, việc tiếp cận áp dụng văn bản tại các địa phương còn lúng túng.

Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu lực thi hành từ ngày 18-1-2024 cũng nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết gồm 6 điều, quy định về 8 cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết là tạo cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (Điều 4). Cụ thể, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng mức kinh phí từng chương trình mục tiêu quốc gia. Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho từng địa phương theo tổng kinh phí chi thường xuyên từng chương trình mục tiêu quốc gia. HĐND cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho HĐND cấp huyện phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần...

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện

Khi đề cập về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, phương án này sẽ bảo đảm phân cấp triệt để cho cấp huyện trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...

Trong khi đó, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện sẽ đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần quy định chi tiết các tiêu chí lựa chọn, cấp tỉnh căn cứ vào đó để lựa chọn cấp huyện thực hiện thí điểm sẽ bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, trong Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc phân cấp được quy định rõ ràng liên quan đến thẩm quyền, pháp lý, trách nhiệm, thủ tục và thời gian. Việc nghị quyết quy định rõ ràng thẩm quyền giúp tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.

Với 8 cơ chế, chính sách đặc thù được nêu trong nghị quyết, các chuyên gia cho rằng, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ sớm được khắc phục, từ đó góp phần nâng "sức mạnh" cho các chương trình này, tạo thêm nhiều sinh kế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

---------

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội):
Sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt

 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV thường xuyên thông qua các nghị quyết về cơ chế đặc thù. Việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, chưa có cơ chế đặc thù nào mang lại tác động xấu. Vì thế, việc thiết lập cơ chế, chính sách đặc thù sẽ giúp khắc phục sự khô cứng của quy định pháp luật, đưa kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, qua đó mang lại kết quả tốt.

Việc tăng phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao... là cần thiết, giúp cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030.

Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân:
Cần quan tâm rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ

Tôi đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất và dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Quốc hội hết sức trách nhiệm khi kịp thời đưa nội dung thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết trong kỳ họp bất thường lần thứ năm. Trong đó, Chính phủ đã đề xuất các giải pháp, chính sách đặc thù vượt thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ và tạo đột phá trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Với thành phố Hà Nội, năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, các đơn vị liên quan của thành phố cần quan tâm rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, có kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện, tạo tiền đề đến năm 2025 thành phố Hà Nội hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng:
Tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc

Với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, kỳ họp bất thường lần thứ năm Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi cho rằng, đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Huyện Quốc Oai là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống. Vì thế, chúng tôi quan tâm đến nội dung liên quan đến phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghị quyết giao cho HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện phân cấp triệt để cho cấp huyện... Với quy định này, cấp huyện sẽ chủ động hơn trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top