Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1-2024

15:29 - Thứ Hai, 29/01/2024 Lượt xem: 3661 In bài viết

Ngày 29-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1-2024 để thảo luận đối với 5 nội dung, trong đó có 3 dự án luật gồm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 2 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi).

Dự phiên họp có các Phó thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng thể chế, thời gian qua, tập thể Chính phủ và từng thành viên Chính phủ đã tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, triển khai đồng bộ, hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế, với nhiều đổi mới, kết quả nổi bật, có tính lan tỏa cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1-2024. 

Trong năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua 16 luật, trong đó có luật hết sức quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bất động sản, Luật Nhà ở….; Chính phủ ban hành 29 nghị quyết, cho ý kiến đối với 10 dự án luật; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 127 văn bản quy phạm pháp luật...

Năm 2024 và thời gian tới Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế ngày càng nặng nề do công việc thường xuyên ngày càng nhiều hơn, những tồn đọng kéo dài cần xử lý, tình hình đột xuất, bất ngờ khó lường… đòi hỏi phải có chính sách mới phù hợp tình hình và chất lượng xây dựng pháp luật ngày càng phải cao hơn.

Trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024; tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua năm 2023, có hiệu lực vào năm 2024, sao cho không còn để nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khơi thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Cho rằng phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1-2024 với 5 nội dung, đều là những nội dung quan trọng, khó, có tác động kinh tế - xã hội sâu rộng, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông ưu tiên thời lượng nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền xây dựng pháp luật, truyền thông chính sách, giáo dục kỹ năng cho người dân, nhất là tranh thủ ý kiến xây dựng pháp luật của các đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà khoa học, kinh nghiệm quốc tế...

Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe cơ quan chủ trì trình bày tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến xây dựng các dự án luật; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành; xem xét về quy trình, thủ tục chuẩn bị; các yêu cầu, nguyên tắc xây dựng luật; tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; đồng thời phân tích sâu các vấn đề căn cơ và còn có nhiều ý kiến khác nhau tại các dự án luật.

Đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thảo luận làm rõ việc áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không phải là đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Hiến pháp; sự cần thiết phải áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không phải là đối tượng cảnh vệ được quy định tại Luật này.

Trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) các đại biểu cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan về phòng, chống mua bán người; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

Đối với đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi), các thành viên Chính phủ và khách mời quan tâm thảo luận các nội dung liên quan vấn đề phân cấp, phân quyền trong thi hành án dân sự; kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan liên quan; khuyến khích mở rộng thỏa thuận dân sự, song phải được luật pháp công nhận; đảm bảo quyền, nghĩa vụ của công dân và các bên có trách nhiệm, liên quan; chế tài xử phạt, đảm bảo tính khả thi…

Về Luật Công chứng (sửa đổi), Chính phủ quan tâm thảo luận về thẩm quyền, phạm vi quy định chi tiết thi hành Luật; phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính; tiêu chuẩn Công chứng viên; việc đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm Công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng của Công chứng viên; về tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng…

Ở Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ tập trung thảo luận các giải pháp thực hiện các Chính sách để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư, kinh doanh; việc xác định đối tượng áp dụng chính các sách thuế phù hợp với từng loại doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị công lập, thực hiện nhiệm vụ chính trị…; chính sách ưu đãi; chế tài chống thất thu thuế; bảo đảm tính minh bạch, tránh trục lợi chính sách trong quá trình triển khai; phù hợp với chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước an toàn và bền vững; phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.

Cùng với thảo luận, cho ý kiến đối với từng nội dung và giao các nhiệm vụ cụ thể hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các bộ đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề nghị xây dựng luật; đồng thời nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đồng chí đại biểu tham dự phiên họp.

Thủ tướng giao các Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình theo quy định.

Cho rằng “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng khẳng định thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực của sự phát triển. Do đó phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; có cơ chế, chính sách để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển; đổi mới cách làm để tạo ra nguồn lực, động lực mới, truyền cảm hứng cho toàn xã hội phát triển.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể; đầu tư nguồn nhân lực, nguồn lực cho xứng tầm là đột phá chiến lược; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các Ủy ban của Quốc hội; lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, tiếp thu ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam; tăng cường chuyển đổi số trong xây dựng thể chế; tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng pháp luật, truyền thông chính sách…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính không cần thiết, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển; tạo môi trường phát triển lành mạnh, tránh “xin - cho”, điều tiết theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm.

Đối với một số Luật vừa được ban hành như Luật Đất đai (sửa đổi), các luật liên quan đến bất động sản, nhà ở…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để sớm đưa Luật vào cuộc sống, khơi thông các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top