Kỳ họp thứ bảy có khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay

10:17 - Thứ Năm, 22/02/2024 Lượt xem: 4912 In bài viết

Sáng 22-2, tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thường kỳ tháng 2 này sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định 5 nội dung.

Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đây là 1 trong 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu và được dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2024). Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau kỳ họp thứ sáu, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, chỉnh lý công phu đối với dự án Luật này.

"Trong phiên họp hôm nay, đề nghị Ủy ban Thường vụ, các đồng chí tập trung cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng nhất của luật. Đặc biệt là những quy định về thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động lưu trữ nhưng vẫn bảo đảm tính tập trung, thống nhất và vấn đề chia sẻ kết nối dữ liệu lên quan lĩnh vực này", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, có nhiều ngành, nhiều cấp, có những lĩnh vực rất đặc thù như ngoại giao, công an, quân đội... được phân cấp, phân quyền mạnh nhưng vẫn phải bảo đảm tính quản lý và thống nhất. Ngoài ra, vấn đề cung cấp thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu thế nào trong lĩnh vực lưu trữ là rất quan trọng. Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, cần đẩy mạnh, phát huy các giá trị tài liệu lưu trữ. Lưu trữ không phải chỉ để lưu trữ, mà cần có mục tiêu, tạo giá trị gia tăng khi lưu trữ tài liệu.

Quang cảnh phiên họp.

Nội dung thứ hai là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ. Luật Cảnh vệ đã được Quốc hội thông qua năm 2017 nhưng cần cấp bách được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo Chủ tịch Quốc hội, với công tác chuẩn bị cho đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về khả năng trình Quốc hội xem xét thông qua tại một kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về giao bổ sung số lượng kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1-2024 (trong đó, có công tác dân nguyện tháng 12-2023); cho ý kiến tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV, trong đó đánh giá ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ họp khi đã thông qua rất nhiều quyết sách quan trọng, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Nhấn mạnh thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến kỳ họp thứ bảy của Quốc hội tới đây sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, một số dự thảo nghị quyết và cho ý kiến lần đầu với khoảng 12 dự án luật khác.

"Số lượng dự án luật thông qua, cho ý kiến tại kỳ họp tới đây sẽ là lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay", Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về tất cả các nội dung có liên quan đến kỳ họp thứ bảy.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top