Vấn đề kỳ này
ĐBP - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác trồng cây gây rừng. Đặc biệt, vào tháng 11/1959 Bác Hồ viết bài “Tết trồng cây”. Từ đó đến nay, cứ vào dịp tết đến xuân về, các tỉnh, thành phố trong cả nước lại phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Điện Biên là tỉnh miền núi với diện tích tự nhiên rộng. Phần lớn người dân sống vào nông - lâm nghiệp thì việc thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây”, trồng rừng, bảo vệ phát triển rừng sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình và xã hội.
Thực hiện Công điện số 03/CĐ-TTg ngày 6/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, mới đây (ngày 21/2/2024), UBND tỉnh ban hành Công văn số 685/UBND-KTN về việc tiếp tục tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Tinh thần Công văn số 685 của UBND tỉnh là giao các ban, sở, ngành liên quan; các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội; các huyện, thị… trên cơ sở điều kiện thực tế, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây”.
Trước đó, ngày 19/1/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 318/UBND- KTN về việc tổ chức phòng trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ngay sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong không khí ngập tràn sắc xuân, các huyện, thị, sở, ngành… đã ra quân trồng cây.
Tại TP. Điện Biên Phủ, ngoài trồng cây xanh đô thị ven các trục đường, công viên, khu công cộng, trường học, còn trồng 300ha cây mắc ca; trồng, chăm sóc cây hoa ban phát triển du lịch theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Huyện Điện Biên cũng tiên phong trong công tác trồng cây nhớ ơn Bác Hồ, trồng rừng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái. Không riêng mùa xuân này mà nhiều năm qua, huyện Điện Biên luôn tiên phong, chú trọng công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cây giống cho người dân, nên công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đạt kế hoạch đề ra; từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.
Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Công văn số 318 của UBND tỉnh, nhiều địa phương trong tỉnh có cách làm mới, sáng tạo, mang lại niềm vui, phấn khởi trong đại bộ phận nhân dân.
Căn cứ điều kiện thực tế về đất đai, thổ nhưỡng, ngoài trồng cây xanh đô thị ven các tuyến đường liên huyện, liên xã, khu vui chơi giải trí… Tuần Gáo chú trọng trồng cây mắc ca. Tại lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn, lãnh đạo huyện Tuần Giáo cho biết, trong năm 2024 này sẽ trồng 2.500ha mắc ca. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Tuần Giáo trồng 5.000ha cây mắc ca.
Chuẩn bị cho kế hoạch trồng cây gây rừng, trồng rừng kinh tế, trước đó cả tháng, huyện Tuần Giáo đã nhờ lực lượng bộ đội tham gia giúp dân đào hố trồng cây mắc ca. Huyện bố trí ngân sách nguồn các Chương trình Mục tiêu quốc gia mua cây giống, phân bón… cấp phát cho dân; chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách đào hố, bón phân, trồng cây… đảm bảo tỉ lệ sống cao nhất.
Nhận thấy cây mắc ca đang cho giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, nên đa số người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo nhiệt tình hưởng ứng trồng cây mắc ca. Đây cũng là chủ trương tái cơ cấu Ngành nông nghiệp của huyện Tuần Giáo đến năm 2025. Mục tiêu là mang lại cuộc sống “no cơm, ấm áo” nhanh, ổn định, bền vững và hiệu quả nhất cho nhân dân.
Huyện biên giới Nậm Pồ hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với cách làm đột phá, tiên phong. Ban Thường vụ huyện xác định: Hưởng ứng “Tết trồng cây” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nghĩa là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể phải tiên phong đi trước, làm trước, nêu gương. Các đồng chí trong Thường trực Huyện uỷ hỗ trợ cây giống, trực tiếp tham gia đào hố, bón phân và trồng cây quế cho người dân. Thông tin có được, mỗi đồng chí trong Thường trực Huyện uỷ hỗ trợ 1 hộ dân trồng 1 - 2ha cây quế. Phong trào theo đó sẽ lan toả trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ huyện, và số lượng, diện tích trồng quế tại đây sẽ được nâng lên theo cấp số nhân trong tương lai gần.
Huyện Nậm Pồ xác định, quế là cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế, tiến tới làm giàu chính đáng. Mục tiêu của huyện là sẽ phát triển diện tích trồng quế lên 15.000ha. Có vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định, huyện sẽ thông qua chủ trương xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm từ cây quế. Khi đó, đời sống người dân từng bước nâng cao, xoá đói giảm nghèo nhanh, bền vững.
Thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, mỗi địa phương, người dân trong tỉnh có cách làm, lựa chọn giải pháp trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế rừng khác nhau, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.