ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”, ngày 26/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại TP. Điện Biên Phủ, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo báo cáo của UBND TP. Điện Biện Phủ: Tính đến ngày 31/12/2023 trên địa bàn thành phố có 55 đơn vị sự nghiệp, trong đó có 5 đơn vị sự nghiệp công lập và 50 đơn vị sự nghiệp giáo dục, tăng 16 đơn vị sự nghiệp so với năm 2015 (do điều chuyển 19 đơn vị trường học thuộc huyện Điện Biên về TP. Điện Biên Phủ). Thực hiện tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2018 đến nay, UBND thành phố đã tinh giản 55 biên chế. Tính đến ngày 31/12/2023, số lượng người được giao trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên 1.547 người.
Đoàn giám sát đề nghị các phòng ban chuyên môn, UBND TP. Điện Biên Phủ làm rõ thêm một số nội dung: Cách thức tinh giản biên chế của các cơ quan khối Đảng; hiệu quả hoạt động, vai trò của các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp; vấn đề tự chủ, chi thường xuyên, thực hiện chế độ chi của các đơn vị sự nghiệp công lập. Số lượng cơ quan chưa được sắp xếp biên chế tối thiểu theo quy định, giải pháp trong thời gian tới; đánh giá sự hoạt động của các trường sau khi sát nhập, những khó khăn vướng mắc; việc điều chỉnh quy mô lớp học, dồn lớp học. Vấn đề quản lý biên chế; hoạt động quản lý viên chức; việc xây dựng vị trí việc làm của viên chức có thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì.
Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, đoàn giám sát đề nghị làm rõ các nội dung liên quan đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục như: Thuận lợi, khó khăn trong việc sáp nhập các trường phổ thông cùng cấp; việc quản lý, sử dụng biên chế được giao; khó khăn trong tuyển dụng viên chức. Việc xây dựng cơ cấu chức danh, vị trí việc làm; kết quả rà soát sắp xếp chức danh y tế học đường, kế toán sau sáp nhập các trường. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho việc thành lập trường Đại học Điện Biên. Các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục.
UBND TP. Điện Biên Phủ đề xuất cơ quan chức năng sớm ban hành bộ khung các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Nhà nước; bổ sung số lượng người làm việc theo quy định, có cơ chế chính sách phù hợp đối với đội ngũ viên chức và người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ tại Nghị định 105/2020/NĐ – CP của Chính phủ; nâng mức hỗ trợ học sinh bán trú từ 40% lên 60% mức lương cơ sở và học sinh nội trú từ 80% lên 100% mức lương cơ sở; quy định cụ thể số học sinh/lớp, số nhóm trẻ/nhóm phù hợp với các vùng miền để đảm bảo chất lượng giáo dục. Có chính sách hỗ trợ trực trưa cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn dạy 2 buổi/ngày.