Bình yên trên những bản Mông

08:25 - Thứ Tư, 28/02/2024 Lượt xem: 7298 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, biên giới, Nậm Pồ có 52,7% dân số theo tôn giáo (chủ yếu là dân tộc Mông), sinh sống ở những bản nơi “thâm sơn cùng cốc”. Chính vì thế, mà nhiều hộ dân tộc Mông vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin đã tin theo tà đạo gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, hình thành các điểm “nóng” về an ninh trật tự (ANTT). Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, Công an huyện Nậm Pồ đã phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu thành lập mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”. Sau hơn 3 năm hiện hữu, mô hình đã ghi “dấu ấn” đậm nét, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Đặc biệt, mô hình được Bộ Công an lựa chọn là mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bài 1: Xóa “vùng lõm” về an ninh trật tự

Với sự vào cuộc quyết liệt, chung tay, góp sức của đội ngũ chức sắc, cơ sở tôn giáo và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã được triển khai hiệu quả, thiết thực, lan tỏa sâu rộng trong toàn huyện. Qua đó, góp phần lan tỏa tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và đem lại cuộc sống bình yên, thắt chặt tình đoàn kết đồng bào theo tôn giáo nơi rẻo cao Nậm Pồ.

Lực lượng Công an huyện Nậm Pồ tích cực tuyên truyền, gặp gỡ, vận động chức sắc các điểm nhóm theo tôn giáo xây dựng mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”.

Nhận diện những khó khăn

Là huyện vùng cao, Nậm Pồ có 127,483km đường biên giới tiếp giáp với Nước CHDCND Lào. Toàn huyện có 15 xã, 121 bản, trong đó 9 bản trọng điểm, phức tạp về ANTT. Đặc biệt, 96% dân số trên địa bàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); 52,7% dân số (4.588 hộ, 26.787 nhân khẩu) theo tôn giáo (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông).  Địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, giao thông, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng còn hạn chế; trình độ dân trí và sự hiểu biết pháp luật của nhân dân chưa đồng đều.

Theo Thượng tá Trần Ích Chính, Phó Trưởng Công an huyện Nậm Pồ - người đặt “nền móng” cho mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”: Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động ở trong và ngoài nước đã và đang triệt để lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá với nhiều phương thức tinh vi, xảo quyệt, âm mưu thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Nổi lên là các hoạt động đăng tải, phát tán các video clip trên không gian mạng để truyền bá tà đạo “Giê Sùa”, “Bà cô Dợ” vào vùng đồng bào dân tộc Mông, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí kém nhằm kích động tư tưởng “dân tộc hẹp hòi” tiến tới “ly khai, tự trị”, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng tuyên truyền tà đạo “Bà cô Dợ” đã xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cho rằng việc tiêm Vắc xin Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bên cạnh đó, một số điểm nhóm tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận sinh hoạt tập trung đã tự ý xây dựng, sửa chữa, cơi nới cơ sở sinh hoạt tôn giáo, tổ chức sinh hoạt không theo nội dung đăng ký với chính quyền địa phương. Hiện nay trên địa bàn huyện biên giới Nậm Pồ vẫn còn 9 điểm nhóm tôn giáo chưa đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định. Một số đối tượng trên địa bàn liên quan đến hoạt động tuyên truyền thành lập nhà nước “ly khai, tự trị” vẫn đang lẩn trốn, âm thầm tìm cách móc nối với các thế lực thù địch bên ngoài để thành lập “Nhà nước riêng”… gây tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về ANTT.

Người dân bản Lai Khoang tích cực tham gia phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

 “Thắp lửa” Lai Khoang

Với tính chất phức tạp, sự cần thiết đảm bảo ANTT tại các điểm nhóm theo tôn giáo, Công an tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo, hướng dẫn Công an huyện Nậm Pồ tiến hành khảo sát, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”. Sau khi nghiên cứu, lựa chọn địa bàn xã Nà Hỳ (là địa bàn đang thực hiện chuyển hóa); từ những buổi gặp gỡ, tuyền truyền, vận động, những câu chuyện bên bếp lửa với các chức sắc, Ban Chỉ đạo huyện Nậm Pồ, xã Nà Hỳ đã quyết định ban hành kế hoạch xây dựng mô hình, xác định lấy điểm nhóm Tin lành Truyền giảng Phúc âm, tại bản Lai Khoang làm thí điểm để triển khai và ra mắt mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT”. Đồng thời, công nhận 6 thành viên cốt cán của mô hình (do Trưởng nhóm tôn giáo làm tổ trưởng).

Từ trung tâm xã Nà Hỳ, sau gần 30 phút đi xe máy, vượt qua những con đường hiểm trở, ngoằn nghèo, chúng tôi đã chạm đất Lai Khoang khi bình minh hửng sáng. Ấn tượng đầu tiên khi tới mảnh đất này là hình ảnh lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng, tung bay phấp phới trước mỗi nhà và sự thân thiện, cởi mở của bà con. Lai Khoang hiện có 57 hộ, 305 tín đồ theo đạo Tin lành Truyền giảng Phúc âm.

ANTT đảm bảo người dân các bản theo tôn giáo nỗ lực phát triển kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cầm trên tay tấm Giấy khen của Công an tỉnh về thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, anh Giàng A Mua, Trưởng nhóm mô hình tôn giáo tự quản về ANTT, bản Lai Khoang tự hào chia sẻ: “Từ khi thành lập, thành viên nhóm đã tỏa đi các hướng tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ANTT; tổ chức cho các hộ gia đình đăng ký, cam kết xây dựng mô hình; không tin, nghe theo kẻ xâu xúi giục, nhẹ dạ cả tin theo tà đạo. Thấy được trách nhiệm của mình, nên hễ bản có người lạ xuất hiện, xảy ra các vấn đề mất ANTT, vợ chồng cãi nhau là điện thoại của tôi và thành viên tổ “réo” liên tục. Cũng chỉ mất vài phút là chúng tôi có mặt để kịp thời giải quyết mọi việc “thấu tình đạt lý”.

Trong ngôi nhà mới được Bộ Công an hỗ trợ xây dựng, anh Thào A Sùng, bản Lai Khoang xúc động nói: “Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, nhà mình ai cũng phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, chăm chỉ cày cấy, trồng quế, nuôi dê, lợn… Vì thế mà cuộc sống ngày càng khấm khá, no đủ hơn trước”.

Anh Thào A Sùng, bản Lai Khoang hướng dẫn người dân ươm giống cây Quế.

Từ điểm sáng Lai Khoang, đến nay mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” đã phát triển, lan tỏa sâu rộng tới 7/7 điểm nhóm đạo được cấp phép trên địa bàn xã Nà Hỳ. Ông Nguyễn Phú Thiết, Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ cho biết: Từ khi mô hình được khởi xướng và đi vào hoạt động đã góp phần làm cho cuộc sống người Mông nơi đây bước sang ngày mới tươi sáng. Tình hình ANTT được đảm bảo, giữ vững, đặc biệt nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, thôn, bản có đường bê tông rộng, đa số người dân đều được dùng điện lưới, trẻ con được đi học... Các hộ nghèo được vay vốn làm ăn, hộ có nhà dột nát còn được hỗ trợ làm nhà mới. Bà con vùng theo tôn giáo đã đoàn kết, bảo ban nhau cách chăn nuôi trâu, bò… cuộc sống đã dần ổn định”.

Cuộc sống bình yên, phát triển, niềm tin sắt son của nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, đó là những thành tựu mà mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” đem lại trên những bản Mông nơi vùng cao Nậm Pồ. Từ “ngọn lửa” Lai Khoang, cấp ủy, chính quyền các cấp và Công an huyện Nậm Pồ tiếp tục nhân rộng, lan tỏa mô hình ra các xã vùng cao, biên giới vùng có đạo trên địa bàn huyện nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung.

Bài 2: Những người “lĩnh ấn” tiên phong

Bài, ảnh: Sầm Phúc - Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top