Bài 1: Xóa “vùng lõm” về an ninh trật tự
Bài 2: Những người “lĩnh ấn” tiên phong
Bài 3: Lòng dân thuận, mô hình lan tỏa
ĐBP - Có thể thấy rằng mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã thực sự mang lại “luồng gió mới” trong công tác bảo đảm ANTT tại những vùng theo tôn giáo, biên giới. Đặc biệt, với vai trò, trách nhiệm, các chức sắc, tín đồ các điểm nhóm theo tôn giáo đã thực sự trở thành những “cánh tay nối dài”, là “tai, mắt tin cậy” hỗ trợ đắc lực cho công tác giữ vững ANTT, xung kích trong phòng, chống tội phạm và đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Và chính họ, cũng là những người “truyền lửa” góp phần lan tỏa mô hình rộng khắp trên các vùng theo tôn giáo.
“Tai, mắt tin cậy” của lực lượng Công an
Đồng bào dân tộc Mông theo tôn giáo, chủ yếu sinh sống ở các bản vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới. Từ khi mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự (ANTT)” đi vào hoạt động, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng phát huy vai trò xung kích, nhân dân các bản có đạo luôn “là tai, là mắt” của lực lượng Công an.
Nếu trước đây bản Ngải Thầu 2, xã Nà Bủng tình trạng người dân vi phạm các quy định về xuất, nhập cảnh, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm tàng trữ trái phép hàng cấm diễn biến phức tạp. Thì nay đã dần lùi vào quá khứ. Anh Hạng A Chu, Tổ trưởng “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” bộc bạch: “Để bà con tin, nghe theo lời mình nói thì bản thân mình phải tích cực tham gia đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động trái pháp luật, trực tiếp giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không vi phạm pháp luật, có như vậy mình mới nói, mới tuyên truyền nhân dân được. Tôi luôn động viên người thân cũng như các tín đồ phải chịu khó làm ăn, không dính vào tệ nạn xã hội, trở thành người có ích cho xã hội”.
Có thể khẳng định, mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” ở huyện Nậm Pồ đã trở thành điểm sáng trong việc phát động xây dựng lực lượng tại chỗ, tập hợp nhân dân vùng có đạo đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương mạnh mẽ lên án, đấu tranh, tạo thế răn đe nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn. Hiện nay, tại 21 điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT không có người dân nào tin, nghe theo luận điệu tuyên truyền của tà đạo; 100% đối tượng liên quan đến hoạt động tuyên truyền lập “Nhà nước riêng” thường xuyên được giáo dục, cảm hóa và cam kết chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, không còn những hoạt động gây mất ANTT.
Phát huy vai trò “là tai, là mắt”, là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an, các tổ tự quản đã không quản ngại khó khăn, bất kể trời mưa hay nắng tỏa về cơ sở, đi từng ngõ, gõ từng nhà, ra từng đối tượng, vận động người dân bảo đảm ANTT, bảo vệ tài sản của mình. Từ khi thành lập, các tổ tự quản đã cung cấp thông tin, phối hợp, giúp đỡ lực lượng chức năng phát hiện bắt 24 vụ, 27 đối tượng phạm tội về ma túy, triệt xóa 4 điểm bán lẻ ma túy; 5 vụ, 9 đối tượng về các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích… 14 vụ, 14 đối tượng về hành vi hủy hoại rừng, tàng trữ lâm sản trái phép. Cùng với đó, vận động nhân dân tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng 23 khẩu súng tự chế, 50 nòng súng, 28 viên đạn súng trường K53, 8 viên đạn cối 60, góp phần phòng ngừa tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ.
Gắn kết chặt chẽ việc xây dựng mô hình với khu dân cư “An toàn về ANTT”, đến nay 21/21 bản có mô hình hoạt động đều đạt tiêu chuẩn về khu dân cư “An toàn về ANTT”. Các thành viên trong mô hình đã đóng góp 17 ý kiến về xây dựng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và đề xuất các giải pháp bảo đảm ANTT tại diễn đàn “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”; tích cực hưởng ứng các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Tháng hành động phòng, chống ma túy”; “Tháng an toàn giao thông”…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo 160 huyện Nậm Pồ cho biết: “Xác định thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo là nhiệm vụ quan trọng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, để người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền với các tôn giáo, từ đó kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh, tồn tại, góp phần quan trọng ổn định tình hình ANTT trên địa bàn”.
“Khai đất dụng võ” cho mô hình
Những hiệu quả mang lại qua hơn 3 năm triển khai mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” ở Nậm Pồ là không thể phủ nhận. Song từ thực tiễn cho thấy, khi triển khai bất kỳ một mô hình nào, bên cạnh những thuận lợi thì đều có cả những khó khăn, vướng mắc. Việc xây dựng mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” ở Nậm Pồ cũng không ngoại lệ, nhất là khi mô hình được triển khai ở vùng đồng bào có đạo. Chính vậy mà việc định hướng, chỉ rõ nội dung, lĩnh vực để mô hình “có đất dụng võ” là giải pháp quan trọng và có tính lâu dài.
Tính đến tháng 12/2023 huyện Nậm Pồ có 96/105 điểm nhóm được cấp Giấy chứng nhận sinh hoạt tôn giáo tập trung. Công an huyện Nậm Pồ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các điểm nhóm còn lại nhằm huy động tối đa sức mạnh của quần chúng nhân dân và tín đồ các tôn giáo trên lĩnh vực bảo đảm ANTT.
Thực hiện tinh thần đó, theo Thượng tá Trần Ích Chính, Phó Trưởng Công an huyện Nậm Pồ: Để mô hình được lan tỏa hơn nữa, đặc biệt là tại các điểm nhóm đạo trên địa bàn huyện Nậm Pồ, trước hết việc triển khai phải xuất phát từ tình hình thực tiễn công tác đảm bảo ANTT ở địa phương và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy; sự quản lý của chính quyền; sự hướng dẫn của lực lượng công an và sự đồng tình ủng hộ của toàn thể tín đồ trong điểm nhóm. Thực tế cho thấy, điểm nhóm nào có sự quan tâm, sâu sát của Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể, lực lượng Công an thì điểm nhóm đó thực hiện mô hình rất hiệu quả. Cùng với đó, trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện mô hình phải xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng cần tuyên truyền, vận động để từ đó phân công cán bộ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để nắm bắt tâm tư, tình cảm, khó khăn, vướng mắc của các gia đình trong tôn giáo tham gia mô hình.
Mới đây nhất, tháng 12/2023, Huyện ủy Nậm Pồ đã tổ chức gặp mặt, đối thoại 125 chức sắc, chức việc, trưởng điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn. Qua đó, tuyên dương, khen thưởng 15 cá nhân tiêu biểu, điển hình trong công tác dân tộc, tôn giáo. Đây cũng chính là hoạt động tạo môi trường thuận lợi để mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” có thêm “đất dụng võ”. Mục sư nhiệm chức Cháng A Chư, Tổ trưởng Tổ tự quản về ANTT, điểm nhóm Tin lành Phìn Hồ chia sẻ: “Những năm qua, huyện Nậm Pồ luôn quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt trong hoạt động, bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trên địa bàn huyện. Ngược lại, chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, đồng bào tôn giáo là một bộ phận của dân tộc. Một tín đồ tôn giáo tốt phải là một công dân tốt, sống “tốt đời, đẹp đạo” và phải có trách nhiệm với xã hội, làm tròn nghĩa vụ công dân”.
Hoạt động theo hướng tự phòng, tự quản, tự hòa giải, tự bảo vệ, mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” ở huyện Nậm Pồ đã thể hiện được tinh thần làm chủ của Nhân dân trên lĩnh vực đảm bảo ANTT; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với những hiệu quả mang lại, không bó hẹp ở phạm vi một huyện, đến nay, mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” đã được nhân rộng thêm 5 điểm tại huyện Tuần Giáo và huyện Mường Chà của tỉnh Điện Biên. Tháng 10/2023, Cục V05, Bộ Công an đã ban hành Thông báo số 1849/TB-V05-P2, theo đó mô hình “Điểm nhóm tôn giáo về an ninh trật tự” của Công an huyện Nậm Pồ vinh dự là một trong 14 mô hình tiêu biểu được lựa chọn nhân rộng toàn quốc.