Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Mường Phăng ngày ấy, bây giờ (bài 4)

14:34 - Thứ Ba, 19/03/2024 Lượt xem: 3518 In bài viết

Bài 4: “Vinh quang thay đất Mường Phăng”

ĐBP - “Vinh quang thay đất Mường Phăng/Có hầm Đại tướng, có rừng chỉ huy”. Chiến tranh đã lùi xa 70 năm, Mường Phăng trở thành địa chỉ chói lọi trong bản đồ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ hôm nay quyết tâm chung tay, góp sức gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử xây dựng quê hương cách mạng khởi sắc.

Bài 3: Vùng đất lịch sử vượt khó vươn lên

Bài 2: Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Bài 1: Mường Phăng - Trái tim chiến dịch Điện Biên Phủ

Đoàn du khách thăm khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử

Hòa cùng đoàn du khách nườm nượp đến thăm khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi nghe thấy giọng nói từ nhiều vùng miền Tổ quốc. Trong đoàn du khách hôm nay phần đông là những cựu chiến binh, tóc bạc với bộ quân phục bạc màu, trên ngực lấp lánh huân huy chương và khí chất người lính vẫn đằm trên khuôn mặt. Đi cùng đoàn khách có đoàn viên thanh niên và các em học sinh xã Mường Phăng.

Đoàn khách chậm rãi đi trên con đường xuyên cánh rừng nguyên sinh, vừa đi vừa nghe thuyết minh viên giới thiệu về di tích. Khi đi qua những cây cổ thụ gãy đổ được xếp gọn gàng bên đường, nhiều người thắc mắc: “Tại sao người dân không cưa về sử dụng, để chúng mục đi thật phí quá”. Nghe thấy câu hỏi, một đoàn viên xã Mường Phăng nhanh nhảu đáp: “Không ai chặt đâu ạ. Tất cả cây gỗ ở đây, khi đổ xuống, người dân xếp gọn cho đỡ vướng đường và để cho nó tự mục, tạo chất mùn nuôi dưỡng những cây bé hơn!”. Cả đoàn khách trầm trồ: “Thì ra, người Mường Phăng rất trân trọng từng gốc cây, ngọn cỏ ở đây”.

Tiếp mạch câu chuyện, anh Hoàng Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng chia sẻ: “Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện có hơn 80ha rừng đặc dụng với nhiều nhóm gỗ quý, nhiều cây cổ thụ có đường kính lớn. 70 năm qua, khu rừng được gìn giữ nguyên vẹn. Để có được thành quả đó, tổ bảo vệ rừng các bản, lực lượng kiểm lâm; tổ bảo vệ di tích và người dân Mường Phăng thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng”.

Hàng ngày, người dân Mường Phăng cùng với tổ quản lý di tích tiến hành vệ sinh toàn bộ khuôn viên, phát quang, trồng thêm hoa, tỉa cây xanh dọc đường vào khu di tích.

Ông Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý Khu di tích lịch sử Mường Phăng cho biết: Người dân luôn nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phối hợp chặt chẽ cùng chúng tôi duy trì cảnh quan môi trường khu di tích xanh, sạch, đẹp. Bà con luôn nhiệt tình, hiếu khách, sẵn sàng hỗ trợ tổ quản lý khu di tích trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục khi đến thăm khu di tích. Bên cạnh đó, tổ cũng tăng cường bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên, nhất là những hướng dẫn viên người địa phương để có thể truyền tải tốt về lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến. Qua đó, bồi đắp thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi du khách khi đến với mảnh đất lịch sử Mường Phăng.

Hệ thống nhà hàng trên địa bàn xã Mường Phăng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu ăn ở, đi lại cho khách du lịch.

Tổ quản lý Khu di tích và lực lượng công an, dân quân xã Mường Phăng thường xuyên phối hợp đảm bảo an ninh trật tự; tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động nhân dân và du khách chấp hành các quy định trong khu di tích, quy tắc ứng xử nơi công cộng và bảo vệ môi trường.

Khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng

Mường Phăng là “địa chỉ đỏ” của khách du lịch khi về thăm di tích đặc biệt quốc gia chiến trường Điện Biên Phủ. Hàng năm, lượng khách du lịch đến với xã Mường Phăng rất lớn. Chính vì vậy, những năm gần đây, xã Mường Phăng đã và đang tập trung xây dựng các bản du lịch cộng đồng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, giữ chân khách ở lại với Mường Phăng lâu hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Hiện nay, Mường Phăng đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa dân tộc Thái cổ độc đáo, ít nơi có được như: kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội; các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống. Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái là điểm rất hút khách du lịch. Các món ăn đặc sản dân tộc được chế biến cầu kỳ, đậm vị như: cá nướng, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, nậm pịa, gà nướng mọi, lợn bản hấp lá chuối, lạp sườn gác bếp, măng rừng luộc chấm chẳm chéo, xôi tím, xôi ngũ sắc, cơm lam, bắp cải cuốn nhót xanh. Giao lưu với du khách, các bản ở đây luôn duy trì không gian văn hóa văn nghệ đậm chất dân tộc Thái với những điệu xòe, nhảy sạp… 

Các làng nghề truyền thống về dệt thổ cẩm luôn được người dân Mường Phăng duy trì và phát triển.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Những năm gần đây, xã Mường Phăng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. UBND xã rà soát, lựa chọn và xây dựng điểm bản văn hóa để đón khách du lịch khi đến với Mường Phăng. Đến nay, xã Mường Phăng đã xây dựng điểm 3 bản văn hóa, du lịch cộng đồng gồm: Bản Che Căn; bản Khá (dân tộc Thái) và Loọng Luông 2 (dân tộc Mông). Toàn xã có 2 homestay; 10 nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống và trên 30 hộ dân cung cấp dịch vụ lưu trú. Mặc dù mới triển khai song du lịch cộng đồng đã từng bước thu hút khách du lịch nhiều hơn, góp phần tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Một trong những điểm du lịch cộng đồng đặc sắc ở Mường Phăng là bản văn hóa du lịch Che Căn nằm ngay trung tâm xã. Che Căn có địa thế dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn, có đỉnh cao nhất là Pú Huốt, cao hơn 1.700m so với mặt biển. Bản có gần 100 hộ dân tộc Thái sinh sống. Không khó để nhận thấy nét đặc sắc ở Che Căn là những ngôi nhà sàn truyền thống nhuốm màu thời gian của đồng bào dân tộc Thái lấp ló giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Người dân ở đây gìn giữ và phát huy tốt các giá trị văn hóa, văn nghệ, ẩm thực truyền thống. Hiện nay, bản Che Căn có 1 homestay và gần 20 hộ làm dịch vụ du lịch. Ðến Che Căn, du khách được tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm thực tế đời sống sinh hoạt, văn hóa, phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái.

Bản Che Căn, xã Mường Phăng tập trung phát triển du lịch cộng đồng.

Homestay Phương Ðức là cơ sở lưu trú phục vụ du lịch đầu tiên do người dân Mường Phăng thực hiện. Đến đây, du khách được cung cấp các dịch vụ: ăn, ngủ và tham gia hoạt động trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên. Homestay Phương Đức đủ phục vụ từ 45 đến 50 khách ăn, ở trong ngày. Anh Đức, chủ cơ sở chia sẻ: Quan điểm nhất quán của chúng tôi là khách du lịch đến đây phải được ở sạch, ăn ngon, trải nghiệm đầy đủ không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Do đó, Homestay Phương Ðức nói riêng và bản Che Căn nói chung luôn tạo được sự hài lòng và ấn tượng trong lòng du khách.

Bạn Nguyễn Phương Thảo, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Mặc dù đã theo dõi nhiều qua truyền hình và các trang thông tin về du lịch song được trải nghiệm thực tế mang lại cho em nhiều cảm xúc đặc biệt. Em rất thích những ngôi nhà sàn, món ăn và trang phục dân tộc ở đây. Đây là một chuyến đi thực sự thú vị.

Ẩm thực dân tộc Thái tại Mường Phăng tạo ấn tượng tốt với du khách.

Mặc dù vẫn còn đó những khó khăn song giờ đây khách du lịch đến với Mường Phăng đã không còn vội vàng quay trở về trung tâm TP. Điện Biên Phủ nữa mà họ có thể lựa chọn ở lại để thưởng thức, trải nghiệm về cảnh vật thiên nhiên, con người và các dịch vụ ở Mường Phăng. Thời gian tới, xã Mường Phăng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn các dịch vụ du lịch, quyết tâm đưa du lịch thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của xã; hướng đến xây dựng Mường Phăng trở thành đô thị vệ tinh của TP. Điện Biên Phủ.

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung
Bình luận
Back To Top