Đề xuất công chứng viên được hành nghề đến 70 tuổi

16:07 - Thứ Hai, 01/04/2024 Lượt xem: 4018 In bài viết

Ngày 1-4, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Sở Tư pháp sẽ tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Về công chứng viên, dự thảo Luật quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên là đến 70 tuổi. Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất giảm thời gian công tác pháp luật để bổ nhiệm công chứng viên từ 5 năm xuống còn 3 năm; hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên giảm từ 7 loại giấy tờ xuống còn 3 loại, gồm: Đơn đề nghị bổ nhiệm, giấy tờ chứng minh thời gian công tác pháp luật và giấy chứng nhận sức khỏe.

Quy định Giám đốc Sở Tư pháp bổ nhiệm Trưởng phòng công chứng thay vì giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm như hiện nay, quy định Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay để tăng cường phân cấp, phân quyền.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung cơ bản các quy định của Luật hiện hành về vấn đề này để đặt nền tảng cho việc triển khai công chứng điện tử.

Cụ thể: Quy định cơ sở dữ liệu công chứng gồm 4 cơ sở dữ liệu thành phần; nguyên tắc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, nguyên tắc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu có liên quan và việc quản lý, phân cấp quản lý cơ sở dữ liệu công chứng; quy định rõ hơn về yêu cầu đối với việc lưu trữ hồ sơ công chứng, điều chỉnh về thời hạn lưu trữ, quy định về việc chuyển đổi hồ sơ giấy thành dạng thông điệp dữ liệu; việc cấp bản sao văn bản công chứng đang được lưu trữ tại tổ chức hành nghề công chứng tạm ngừng hoạt động.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Thẩm tra nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng với các lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Về phạm vi công chứng điện tử, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất về không giới hạn phạm vi công chứng điện tử mà giao Chính phủ quy định lộ trình cụ thể.

Về mô hình Văn phòng công chứng, dự thảo Luật quy định Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc không cho phép thành lập Văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên. Hơn nữa, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao thì loại hình Văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Cần làm rõ vai trò của Bộ Tư pháp

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, công chứng là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, đồng thời cũng là một loại hình dịch vụ sự nghiệp công mang tính chất thiết yếu, cơ bản.

Về nguyên tắc, Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, trong đó Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối. Trước đây, những loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều có quy hoạch, tuy nhiên theo Luật Quy hoạch 2017, ngoài trừ điện thì các loại sản phẩm dịch vụ, hàng hóa khác đều đã bị bỏ quy hoạch. Do đó, không còn quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng.

“Chính phủ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước chung thì vai trò là gì, phải có chiến lược, định hướng phát triển của ngành nghề này trong từng giai đoạn”, Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời nêu rõ, những trường hợp sản phẩm dịch vụ, hàng hóa đã bỏ quy hoạch thì Bộ giúp Chính phủ quản lý chuyên ngành phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để các địa phương có căn cứ triển khai. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật có đề cập tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện nhưng không nói rõ là cơ quan nào ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trách nhiệm này thuộc về Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này thì đầu tiên phải là tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập tổ chức hành nghề công chứng. “Bỏ quy hoạch không có nghĩa là không có quản lý, mà quản lý bằng phương pháp khác, không chỉ quản lý bằng quy hoạch như trước đây”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với vai trò của tổ chức nghề nghiệp, dự thảo Luật đã có quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên nghiên cứu để có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm và khả năng tham gia của tổ chức này đến đâu trong việc quản lý công chứng viên, theo hướng Nhà nước nên có quá trình chuyển giao cho hội nghề nghiệp.

Về bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn điều về tiết lộ nội dung thông tin. Theo đó, dự thảo có nêu hành vi bị nghiêm cấm: “Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc này không phù hợp với Bộ luật Dân sự, bởi thông tin trên văn bản công chứng không chỉ liên quan đến người yêu cầu công chứng mà còn liên quan đến nhiều đối tượng khác, có thể hai bên hoặc nhiều bên.

“Về nguyên tắc, trong Bộ luật Dân sự, mọi bí mật về riêng tư là không được xâm phạm. Nếu chỉ cần người yêu cầu công chứng cho phép đồng ý bằng văn bản thì có thể tiết lộ thông tin, như vậy quyền riêng tư của người khác thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top