Đảng bộ, quân và nhân dân Điện Biên góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

07:34 - Thứ Tư, 10/04/2024 Lượt xem: 11807 In bài viết

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quốc Cường

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

ĐBP - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới trọng yếu về quốc phòng - an ninh, có nhiều đóng góp bảo vệ biên cương Tây Bắc Tổ quốc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) phát huy truyền thống yêu nước từ ngàn đời, đã đóng góp sức người, sức của, anh dũng chiến đấu, hi sinh, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” được coi như “Bạch Đằng, Chi Lăng của thế kỷ XX”.

Thắng lợi tại chiến trường Điện Biên Phủ đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương; đồng thời là kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do; là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm, động viên lực lượng vũ trang tỉnh. Ảnh: Hải Yến

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Lai Châu chưa có tổ chức đảng lãnh đạo. Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, trên địa bàn Lai Châu chỉ có huyện Quỳnh Nhai khởi nghĩa giành được chính quyền. Ngày 10/10/1949, Ban cán sự Đảng Lai Châu - cơ quan lãnh đạo đầu tiên của Đảng bộ Lai Châu (nay là Đảng bộ tỉnh Lai Châu và Đảng bộ tỉnh Điện Biên) được thành lập. Trải qua những năm tháng hoạt động gian khổ, Ban cán sự Đảng tỉnh đã trưởng thành về nhiều mặt, từ một chi bộ ban đầu với 20 đảng viên, đến tháng 8/1950 đã phát triển thành 4 chi bộ (chi bộ Quỳnh Nhai, Điện Biên, Tuần Giáo và chi bộ Văn phòng Ban Cán sự tỉnh). Tháng 8/1951, Ban cán sự huyện Điện Biên, Ban cán sự liên huyện Tuần Giáo - Châu Lai (Tuần - Lai) và Ban cán sự liên huyện Quỳnh Nhai - Sình Hồ (Quỳnh - Hồ) được thành lập. Chính quyền cách mạng các cấp từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, lực lượng vũ trang và bán vũ trang cơ sở ở xã, bản được tổ chức.

Sau chiến thắng Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, phần lớn huyện Sình Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu hiện nay) và một phần huyện Châu Lai (TX. Mường Lay hiện nay) được giải phóng, buộc địch phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng, phần lớn diện tích đất đai vùng cao đã được xây dựng thành khu du kích. 

Ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh (huyện Điện Biên), xây dựng tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất của chúng ở Đông Dương. Địch cho máy bay đánh phá và thả biệt kích, thám báo xuống các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Thuận Châu, dùng lực lượng phản động, thổ phỉ phá hoại, quấy rối hậu phương của ta. Với mưu đồ dựa vào cứ điểm Điện Biên Phủ để che chở cho quân Pháp ở Tây Bắc và bảo vệ sự chiếm đóng của chúng ở vùng Thượng Lào, ngăn chặn hướng tiến công của bộ đội ta.

Lợi dụng những khó khăn của nhân dân vùng mới giải phóng, địch đã dùng muối, vải, bạc trắng để dụ dỗ, tuyên truyền, mua chuộc, giành giật dân. Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng tỉnh đề ra chủ trương “bám sát địch, phát triển du kích chiến tranh, củng cố cơ sở, chống càn quét, bảo vệ nhân dân, tăng gia sản xuất. Ở những nơi cơ sở bị vỡ, địch hoạt động mạnh thì tổ chức từng tổ nhỏ luồn vào sau lưng địch, bám sát nhân dân, gây dựng, củng cố cơ sở. Tranh thủ nhân dân, diệt trừ do thám, biệt kích, gây tin tưởng trong nhân dân, nắm lấy dân, đả phá luận điệu phản tuyên truyền của địch”, xây dựng địa bàn, sẵn sàng phối hợp với các cuộc tiến công của bộ đội chủ lực.

Đông Xuân 1953 - 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng đã chủ động mở hàng loạt các chiến dịch tiến công địch theo nhiều hướng trên khắp chiến trường Đông Dương. Chiến dịch Lai Châu được chọn là chiến dịch mở màn trong hướng tiến công Tây Bắc và trong chiến cục Đông Xuân 1953 -1954. Bộ Chính trị quyết định chủ trương thực hiện kế hoạch tiêu diệt địch ở Lai Châu và chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược nhằm phá tan kế hoạch Nava của thực dân Pháp. Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc chỉ đạo Đảng bộ Lai Châu lãnh đạo quân, dân vừa phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch, vừa tiễu phỉ làm trong sạch địa bàn, động viên nhân dân huy động sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, đóng vai trò hậu phương tại chỗ cho mặt trận.

Chiến dịch Lai Châu - đòn tiến công thứ nhất trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 đã giành thắng lợi. Ngày 12/12/1953, thị trấn Lai Châu (nay là TX. Mường Lay) được giải phóng, tiếp theo các huyện Châu Lai, Mường Tè, Sình Hồ được giải phóng hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào, cán bộ Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) khen ngợi, biểu dương, động viên quân và dân các dân tộc trong toàn tỉnh; đồng thời căn dặn nêu cao tinh thần đoàn kết, thân ái, giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự, ra sức tăng gia sản xuất, hết lòng trung thành với Tổ quốc và Chính phủ... Thư biểu dương của Người đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, nhân dân ngày càng tin tưởng, phấn khởi, sớm ổn định đời sống, tổ chức sản xuất và tham gia kháng chiến. Nhân dân và các đội du kích từ các khu căn cứ vùng cao, nơi sát địch, cử người đưa, đón, dẫn đường phối hợp cùng bộ đội chủ lực chặn đánh, truy quét tàn binh địch; đón cán bộ khu Tây Bắc về tiếp quản. Nhân dân các vùng quanh thị trấn, nhất là vùng giải phóng hăng hái đóng góp lương thực, thực phẩm, tham gia dân công phục vụ kháng chiến. Chỉ riêng khu vực Tả Sìn Thàng, từ ngày 16 đến ngày 30/12/1953 đã tiếp tế cho bộ đội 13 tấn gạo, 80 con lợn, 29 con trâu và 1 tấn rau xanh, góp phần để bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Những đóng góp đó đã tăng thêm sức mạnh cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho chiến dịch sớm kết thúc thắng lợi.

Khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, Lai Châu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc giao nhiệm vụ tham gia chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch. Ban cán sự Đảng tỉnh đã lãnh đạo, động viên nhân dân các dân tộc tập trung cao nhất, nỗ lực lớn nhất để cùng cả nước thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ, trọng tâm là phục vụ tiền tuyến, xây dựng, củng cố vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất để chống đói.

Thi hành chỉ thị “chuẩn bị chiến trường” của Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc, tỉnh đã thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện. Nhiệm vụ của Ban chuẩn bị chiến trường là đi sâu vào vùng địch hậu, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 2/1954, Ban cán sự Đảng tỉnh chỉ thị các huyện đẩy mạnh tiết kiệm, tăng gia sản xuất để chống đói và đóng góp cho chiến dịch; tiến hành công tác thuế nông nghiệp ở các huyện, giải quyết tình trạng thiếu ăn trong nhân dân và đóng góp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch.

Ban cán sự Đảng và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã chuyển văn phòng về hang Thẩm Púa, xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo (nay là xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo) gần Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ, kịp thời nắm bắt những yêu cầu phục vụ chiến dịch và chỉ đạo các huyện. Ban cán sự Đảng tỉnh đã đề ra chương trình, kế hoạch củng cố xây dựng vùng mới giải phóng, trọng tâm là phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; phân công các đồng chí ủy viên xuống các huyện, xã trọng điểm để chỉ đạo phong trào, trưng tập một số cán bộ các ngành chuyên môn xuống giúp cán bộ cơ sở tổ chức huy động nhân lực, vật lực để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã không quản ngại khó khăn, vừa tham gia phục vụ chiến trường, vừa đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động phá hoại của địch; đảm bảo an toàn các cuộc hành quân, trú quân, vận chuyển của bộ đội, dân công; bảo vệ kho tàng, vũ khí, lương thực, thực phẩm; bảo vệ giao thông trên các trục đường vận chuyển chính vào Điện Biên Phủ. Khắp nơi trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, cả đồng bào Thái, Mông và đồng bào Hà Nhì, Mảng Ư, Khơ Mú... mọi người, mọi nhà đều thi đua tham gia phục vụ chiến dịch. Ngành lương thực tỉnh phối hợp với bộ đội vận động nhân dân cho Chính phủ tạm vay thóc, gạo, thực phẩm, làm kho chứa lương thực để cung cấp cho bộ đội và dân công. Ngành y tế tổ chức các trạm điều trị để phục vụ dân công hoả tuyến, đảm nhiệm công tác tải thương ở tuyến 3... Phụ nữ các dân tộc xưa nay chỉ quen với công việc quay sợi, dệt vải, nội trợ trong gia đình, nay theo tiếng gọi của Đảng cũng nô nức lên đường, cùng nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương... Nhiều người dân mang cả ngựa, mảng của nhà mình để chở vũ khí, lương thực phục vụ chiến trường từ 1 đến 2 tháng...

Ban cán sự Đảng huyện Điện Biên là nơi chiến trường diễn ra ác liệt đã phân huyện làm hai vùng: Vùng ngoài (tức vùng giải phóng) có nhiệm vụ củng cố, bảo vệ cơ sở, chuẩn bị sức người sức của, kho tàng, phương tiện và sẵn sàng huy động lương thực, thực phẩm cho chiến dịch; vùng địch tạm chiếm, gồm 6 xã đồng bào Thái trong cánh đồng Mường Thanh. Các đồng chí ủy viên Ban cán sự Đảng huyện phụ trách từng khu vực để nắm dân, nắm tình hình địch, gây dựng cơ sở, chỉ đạo bộ đội địa phương, dân quân du kích tổ chức phục kích, chặn đánh những cuộc hành quân càn quét, thăm dò của địch và làm nhiệm vụ đưa đường cho bộ đội chủ lực hoạt động.

Huyện Tuần Giáo có vị trí đặc biệt quan trọng với hệ thống giao thông huyết mạch vận chuyển vũ khí, lương thực vào tuyến lửa. Huyện được giao nhiệm vụ đón tiếp các đoàn dân công từ Pa Nậm Cúm, Sình Hồ, Mường Lay, Mường Tè qua lại. Bằng các phương tiện thô sơ, dân công Tuần Giáo đã đón và gánh tiếp lương thực, thực phẩm đến các địa điểm quy định. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng) đã khẳng định: “Một cân gạo, một cân thịt, một cân rau ở Tuần Giáo giá trị gấp nhiều lần so với từ hậu phương chuyển đến”...

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh, đồng bào các dân tộc đã đóng góp 2.666 tấn gạo (vượt mức được giao 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt mức 43 tấn); 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công (tính ra bằng 568.139 ngày công); 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân. Đồng bào vùng tạm chiếm, khi bị quân Pháp dồn vào các nơi tập trung đã khôn khéo đuổi trâu, bò, lợn, gà ra rừng quyết không để rơi vào tay giặc. Mặc dù “kho người, kho của” là cánh đồng Mường Thanh tạm thời bị giặc chiếm giữ, nhưng trong cả chiến dịch, nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên đã đóng góp 555 tấn gạo (tỉnh giao 450 tấn); 36 tấn thịt (tỉnh giao 18 tấn); 104 tấn rau xanh (tỉnh giao 60 tấn), số dân công huy động được là 3.600 người (gồm 64.670 ngày công). Những đóng góp của đồng bào các dân tộc tỉnh góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được Đảng, Chính phủ ghi nhận và trao tặng những phần thưởng cao quý. Toàn tỉnh đã có 700 cá nhân xuất sắc, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và tỉnh tặng bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.

Những đóng góp của nhân dân Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự cố gắng vượt bậc trong điều kiện đời sống của đồng bào còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nhân dân sẵn sàng nhường lương thực, thực phẩm cho bộ đội, nêu cao tinh thần “cả nước cùng ra trận”, góp phần trực tiếp vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc.

Tự hào và trân trọng những thành quả đã đạt được, phát huy ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của chiến sĩ Điện Biên Phủ, tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ tỉnh Điện Biên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quyết tâm xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Xứng đáng với niềm tin và sự mong đợi của nhân dân cả nước luôn hướng về Điện Biên Phủ anh hùng.

Bình luận

Tin khác

Back To Top