Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam(*)

12:05 - Thứ Năm, 11/04/2024 Lượt xem: 5868 In bài viết

(Phát biểu chào mừng của đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội thảo khoa học quốc gia Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/1954 - 07/5/2024)

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo.

ĐBP - Hôm nay, Tỉnh Điện Biên phối hợp Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" để khẳng định và làm sáng tỏ hơn nữa tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Bộ Thống soái tối cao, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh; vai trò và những đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và tỉnh Điện Biên; sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược; những nguồn sức mạnh đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, được coi như “chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng của thế kỷ XX”.

... Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh; giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 09 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng tháng Tám năm 1945; một nửa đất nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để đưa nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và của cộng đồng quốc tế đấu tranh vì độc lập, tự do; vì “bình đẳng, bác ái”, là sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của nhân loại.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Khu ủy Tây Bắc; Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, đóng góp sức người, sức của tham gia chiến dịch. Trong điều kiện đời sống còn thiếu thốn, có vùng không đủ ăn, không đủ mặc, nhưng khi biết có Đảng, có bộ đội đến đánh đuổi giặc Pháp xâm lược và những kẻ trước đó cướp của, giết người, cào nhà, phá bản thì đồng bào sẵn sàng "đói hơn, vất vả hơn" để nhường lương thực cho bộ đội; điều đó đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo (vượt mức 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt mức 43 tấn); 210 tấn rau xanh; huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công; 438 ngựa thồ, hàng nghìn thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân... Quân và nhân dân Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) rất phấn khởi và tự hào được Đảng và Chính phủ trao tặng những phần thưởng quý báu. Toàn tỉnh đã có 700 cá nhân xuất sắc, 09 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và Tỉnh tặng bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.

Các đại biểu dự hội thảo.

70 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đưa Điện Biên sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn, trở thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, đầu tư theo hướng đồng bộ, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

... 70 năm đã lùi xa, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, là nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân cả nước. Tại Hội thảo ngày hôm nay, cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên rất mong chờ và hy vọng được nghe các ý kiến tham luận, phát biểu, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, nhà khoa học… tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ; tổng kết, phân tích những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ở những thời điểm khó khăn nhất, mang tính quyết định nhất khơi dậy và phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh nhân dân để làm nên chiến thắng; về khoa học, nghệ thuật quân sự; vận dụng và phát huy những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời đại mới.

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Bình luận

Tin khác

Back To Top