Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính

11:12 - Thứ Sáu, 19/04/2024 Lượt xem: 4941 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề, sáng nay (19/4), Đoàn giám sát Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; mức khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2023 - 2024.

Đồng chí Mùa Thanh Sơn, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc với Sở GD&ĐT, Sở Tài chính.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 486 cơ sở GD&ĐT; trong đó 9 trường PTDTNT cấp THPT, 135 trường PTDTBT cấp tiểu học và THCS; 89 trường phổ thông có học sinh bán trú. Những năm qua, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ cho học sinh theo đúng trình tự, thủ tục và chi trả theo quy định; đảm bảo đúng đối tượng. Kết quả, từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2023 - 2024 có hơn 213.410 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn; hơn 30.640 lượt học sinh được hỗ trợ tiền nhà ở và hơn 213.700 lượt học sinh được hỗ trợ gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Đối với thực hiện khoán kinh phí phục vụ nấu ăn tập trung cho học sinh ở các trường có tổ chức nấu ăn, căn cứ vào số lượng học sinh và định mức khoán, các cơ sở giáo dục chủ động thuê nhân công nấu ăn cho học sinh. Tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2023 - 2024 là hơn 1.269.570 triệu đồng.

Đồng chí Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Triển khai thực hiện quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, Sở Tài chính đã chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT và các huyện, thị, thành phố, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ kinh phí cho các đơn vị để thực hiện chính sách hỗ trợ. Giai đoạn 2020 - 2024, tổng kinh phí đã phẩn bổ thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP là 1.657.771 triệu đồng…

Thảo luận tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Sở GD&ĐT bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung: Việc quản lý, bảo quản gạo hỗ trợ; thời gian tổ chức cấp phát gạo; chất lượng gạo hỗ trợ; số học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ là người dân tộc thiểu số…

Lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã giải trình các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, đồng thời kiến nghị một số nội dung: Đối với những trường có số lượng học sinh đông nếu vượt quá 5 lần định mức, sửa đổi mức hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn tối thiểu bằng 200% mức lương cơ sở/01 tháng/30 học sinh; đối với những trường chưa đủ 30 học sinh ở bán trú đề nghị hỗ trợ 1 định mức. Có chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế các trường có học sinh bán trú; có chế độ quản trú cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở trường phổ thông có học sinh bán trú; quan tâm bố trí kinh phí và kêu gọi các nguồn xã hội hóa để đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường PTDTBT và trường phổ thông có học sinh bán trú.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Mùa Thanh Sơn, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khẳng định: Chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 55/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đem lại những hiệu quả thiết thực đối với các cơ sở giáo dục, học sinh ở vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các em học sinh yên tâm học tập, giảm bớt khó khăn khi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục. Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị để tổng hợp chuyển đến các cơ quan, đơn vị liên quan trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top