Đổi thay Mường Pồn

07:12 - Thứ Bảy, 27/04/2024 Lượt xem: 6092 In bài viết

ĐBP - Mường Pồn - xã biên giới huyện Điện Biên - nơi chiến sĩ liên lạc Bế Văn Đàn hi sinh anh dũng, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 70 năm trước. Phát huy truyền thống cách mạng, những năm sau giải phóng, cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nỗ lực khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, giàu đẹp.

Xã Mường Pồn ghi dấu ấn sâu đậm về tinh thần chiến đấu kiên cường của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Quá khứ hào hùng

Ngược dòng lịch sử, ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Đồng thời, điều binh đoàn cơ động số 2 tăng cường cho thượng Lào và rút đơn vị ở Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ.

Thời điểm này, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) của ta đang hành quân lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ tổng Tư lệnh (lúc bấy giờ đặt Sở chỉ huy tại hang Thẩm Púa, huyện Tuần Giáo) ra lệnh cho Trung đoàn 174 nhận nhiệm vụ tiêu diệt cánh quân địch từ Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Sáng ngày 12/12/1953, Đại đội 674, Tiểu đoàn 251 thuộc Trung đoàn 174 hành quân tới Mường Pồn thì phát hiện có nhiều quân địch từ Lai Châu rút về đang tập trung tại đây.

Xác định phải giữ Mường Pồn bằng mọi giá, bộ đội ta lập tức tiến hành bao vây và nổ súng tiêu diệt địch. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt, quân Pháp liều chết xông lên, quân ta kiên quyết ngăn chặn chốt giữ.

Quân Pháp phản kích liên tục, quân ta bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Khẩu trung liên của tiểu đội trưởng Chu Văn Pù không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, Bế Văn Đàn không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn “Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết hết chúng nó đi!”. Tiểu đội trưởng Pù đã siết cò trút đạn về phía quân địch. Đợt phản kích của địch bị bẻ gãy, Bế Văn Đàn đã anh dũng hy sinh trong tư thế hai tay vẫn còn ghì chặt chân súng trên vai.

Di tích Mường Pồn nơi Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.

Tấm gương dũng cảm của Bế Văn Đàn đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau 70 năm, đến xã Mường Pồn hôm nay, người dân nơi đây không ai không nhắc đến Anh hùng Bế Văn Đàn. Đã từ lâu, người dân Mường Pồn luôn coi Anh hùng Bế Văn Đàn là “vị thần” hộ mệnh cho bản làng, mang lại cuộc sống yên bình. Những bậc cao niên trong bản vẫn truyền lại cho con cháu mình câu chuyện về Anh hùng Bế Văn Đàn như sự nhắc nhở các thế hệ sau không quên công ơn những người đã ngã xuống vì sự bình yên cho hôm nay.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Người dân Mường Pồn trước nay luôn ghi nhớ công ơn của Anh hùng Bế Văn Đàn và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình. Vì vậy, các hoạt động giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng từ tấm gương hi sinh của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn luôn được các đơn vị trên địa bàn xã thường xuyên tổ chức, nhất là trong các nhà trường. Bia ghi nhớ tên tuổi và chiến công của Anh hùng Bế Văn Đàn trên địa bàn xã đã trở thành một địa chỉ đỏ để nhân dân, thanh thiếu nhi và các đoàn khách trong, ngoài tỉnh tham quan, tưởng niệm, thể hiện lòng tri ân, giáo dục truyền thống yêu nước.

Dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm sa nhân tím tại bản Lĩnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

Khởi sắc từng ngày

Sau 70 năm, Mường Pồn nay đã khác. Toàn xã có 11 thôn, bản với hơn 1.158 hộ, chủ yếu nằm dọc theo quốc lộ 12, vì vậy có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Những ngày này, dọc tuyến quốc lộ 12 là màu xanh ngát của những ruộng lúa, đồi cao su, xen lẫn những mái nhà lợp ngói đỏ tươi. Nhiều thôn bản không còn hộ nghèo hoặc chỉ còn rất ít. Tiêu biểu như bản Mường Pồn, với 100% là đồng bào dân tộc Thái, có 110 hộ với hơn 500 nhân khẩu, đến nay không còn hộ nghèo.

Minh chứng rõ nét cho sự đổi thay trên vùng quê Mường Pồn là sự thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Người dân tham gia nhiều dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Sử dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa vụ đông xuân diện tích 10ha, với 105 hộ dân các bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, Cò Chạy 1, Cò Chạy 2 tham gia. Dự án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước diện tích 10,115ha với 86 hộ dân tham gia tại các bản: Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, Cò Chạy 1, Cò Chạy 2, Bản Lĩnh và Tin Tốc. Dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm sa nhân tím tại bản Lĩnh, bản Tin Tốc. Dự án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Anh Lường Văn Bình là một trong những điển hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã Mường Pồn

Anh Lường Văn Bình, nông dân ở bản Lĩnh là một trong những điển hình phát triển kinh tế. Năm 2018, xã Mường Pồn tiến hành trồng thử nghiệm 3,33ha cây sa nhân tím, ban đầu không có ai tham gia, anh Bình đã xung phong đi đầu trồng sa nhân tím. Sau khi mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Bình đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đến nay, bản có 52 hộ trồng 13,8ha sa nhân tím. Cùng đó, anh Bình đi đầu tham gia các mô hình chăn nuôi lợn, gà và hỗ trợ các hộ nghèo trong bản cùng làm ăn phát triển kinh tế. Nhờ đó, anh vinh dự trở thành nông dân điển hình của tỉnh được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”.

Chủ tịch UBND xã Mường Pồn Quàng Văn Tiến, cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ xã đã nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên cũng như sự đồng thuận của Nhân dân, tận dụng những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, đưa ra biện pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. 2 năm gần đây, Đảng bộ xã đã phát huy vai trò tiên phong của các đảng viên thực hiện hỗ trợ xóa 73 nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ vốn trực tiếp chăn nuôi cho 3 hộ; hướng dẫn 954 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cao su là một trong những nguồn thu nhập giúp người dân xã Mường Pồn xóa đói, giảm nghèo.

Nếu như năm 2021, tổng số hộ nghèo toàn xã là 243 hộ, thì đến nay giảm còn 162 hộ (chiếm 14,39%); số hộ cận nghèo giảm từ là 151 hộ xuống còn 122 hộ (10,83%); 476/1.158 hộ làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,41 triệu đồng/người/năm.

Kinh tế phát triển, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được quan tâm. Cấp ủy, chính quyền xã đã đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào các dân tộc bằng việc phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Phát huy truyền thống yêu nước, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Mường Pồn quyết tâm đoàn kết, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top