Hà Nội góp phần xứng đáng cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

07:51 - Thứ Hai, 29/04/2024 Lượt xem: 5004 In bài viết

Trong cuộc kháng chiến 9 năm, Hà Nội không phải là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, nhưng quân và dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang góp phần xứng đáng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Máy bay địch bị phá hủy trong trận tập kích sân bay Gia Lâm, vào đêm 3, rạng sáng 4-3-1954. Ảnh tư liệu

Đấu tranh chính trị sôi nổi

Với vị trí đầu mối đường bộ, đường sắt, hàng không… cùng với Hải Phòng, Hà Nội là nơi bố trí lực lượng dự trữ chiến lược quan trọng của địch trong Kế hoạch Nava ở đồng bằng Bắc Bộ, là nơi đóng quân của nhiều đơn vị lính Âu, Phi; nơi tập kết nhiều phương tiện, trang thiết bị chiến tranh… Nửa cuối năm 1953, Hà Nội là nơi xuất phát nhiều chiến dịch quân sự lớn của quân Pháp đánh vào hậu phương của ta. Đó là cuộc nhảy dù xuống Lạng Sơn tháng 7-1953; hành quân đánh xuống Ninh Bình tháng 10-1953 và nhảy dù xuống cứ điểm Điện Biên Phủ tháng 11-1953. Thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của Kế hoạch Nava, Hà Nội là kho người, kho của để chúng tìm mọi cách huy động, vơ vét cho cuộc chiến, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động củng cố chính quyền tay sai và lung lạc tinh thần nhân dân ta.

Từ đầu năm 1953, phong trào chiến tranh du kích ở các tỉnh giáp Hà Nội được đẩy mạnh. Các vùng căn cứ du kích huyện Yên Lãng, huyện Đông Anh (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Gia Lương, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), huyện Duy Tiên, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), huyện Thường Tín, huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Đông)… được mở rộng, hoạt động mạnh, tạo thành vành đai du kích áp sát thành phố, đã hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến của quân dân Hà Nội.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo nhân dân đấu tranh bằng nhiều hình thức chống lại chiêu bài “độc lập”, “hoàn bị độc lập” cho chính quyền bù nhìn của thực dân Pháp. Nhiều hoạt động lừa bịp của chính quyền bù nhìn như ban bố “Luật Lao động”, “Luật Tự do nghiệp đoàn”, “Cải cách điền địa”, “Cải cách giáo dục”, lôi kéo một số trí thức “trùm chăn” để lập chính phủ “liên hiệp dân chủ”… bị vạch trần.

Thực hiện các nghị quyết Hội nghị cán bộ vùng địch hậu, Hội nghị công vận vùng địch tạm chiếm của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã đề ra nhiều chủ trương chỉ đạo cụ thể: Một là, “phát huy thắng lợi (…) và các chiến thắng của ta trên các mặt trận, vạch trần âm mưu “hoàn bị độc lập” giả dối của địch; hai là, “đẩy mạnh hơn nữa phong trào đấu tranh của quần chúng, kiên quyết chặn tay địch, không cho chúng bắt người, cướp của ném ra mặt trận”; ba là, “quyết tâm thực hiện bằng được công tác phá hoại địch về quân sự để phối hợp với chiến trường chính”[1].

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Ban Cán sự Nội thành đã chỉ đạo đấu tranh chống bắt lính, sĩ quan, hạ sĩ quan trong toàn thành phố thành phong trào mạnh mẽ của quần chúng. Thanh niên được vận động bí mật cam kết cùng nhau không đi lính; học sinh trong các trường học chống chủ trương quân sự hóa học đường, không ghi tên vào các kỳ tuyển sĩ quan…

Đồng thời, Ban Địch vận Mặt trận Hà Nội đã chuyển hướng, thay đổi tên gọi và hình thức, mức độ vận động binh lính Âu, Phi phù hợp với tình hình, như lập các “nhóm đồng hương”, “nhóm tâm giao, nhóm tri kỷ” để vận động, thuyết phục họ đào, rã ngũ. Một số cuộc phản chiến của ngụy binh đã nổ ra như hơn 1.000 binh lính đóng ở nhà máy gạch Hưng Ký đã phá rào, phá bốt cảnh binh để phản đối chỉ huy. Một số tốp ngụy binh đã quay súng, về với nhân dân. Cơ sở công đoàn ở Phà Đen đã bố trí nơi tiếp đón, đưa dẫn binh lính bỏ hàng ngũ ra vùng tự do. Các cơ sở Đảng và tổ chức Công đoàn đã bám sát 40 nghiệp đoàn được phép hoạt động để tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi tăng lương, tăng phụ cấp gia đình theo giá sinh hoạt tăng do đồng bạc Đông Dương bị phá giá.

Các cuộc đấu tranh đã nổ ra ở ga Hà Nội, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy rượu, Sở Lục lộ… buộc chính quyền phải giải quyết các yêu sách của công nhân, viên chức. Phong trào đấu tranh của chị em phụ nữ, tiêu biểu là chị em tiểu thương các chợ đòi giảm thuế môn bài, bỏ thuế thương vụ được đẩy mạnh. Các cuộc đấu tranh diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8 và được đẩy lên cao trào vào tháng 11, tháng 12-1953. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-1953, chị em tiểu thương chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da… thay phiên nhau, hằng ngày kéo lên Tòa Thị chính thành phố đưa yêu sách buộc Hội đồng thành phố phải nhượng bộ, không tăng thuế cũ, bãi bỏ thuế mới, hoãn tăng thuế chỗ ngồi. Đấu tranh chống nô dịch về văn hóa cũng được quan tâm…

Các hoạt động đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, đấu tranh chống bắt lính, đòi cải thiện dân sinh… của các tầng lớp nhân dân thành phố Hà Nội đã tạo khí thế mới cho phong trào đấu tranh trong vùng địch hậu, làm cho hậu phương của địch không yên ổn. Các phong trào đấu tranh liên tục được tổ chức trên các lĩnh vực là sự phối hợp tích cực với các mặt trận, các chiến trường, góp phần kìm chân địch, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến.

Kết hợp với hoạt động quân sự

Cùng với các cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, binh vận đó, hoạt động quân sự phối hợp của Hà Nội với các chiến trường, nhất là Điện Biên Phủ rất nổi bật.

Xác định sân bay Gia Lâm là cơ sở hậu cần và đầu mối quan trọng của cầu hàng không tiếp tế cho các chiến trường, nhất là Điện Biên Phủ, Thành ủy chủ trương đánh sân bay Gia Lâm. Công tác chuẩn bị được tiến hành với việc điều tra, trinh sát từ nửa cuối năm 1953. Được sự phối hợp giúp đỡ của Tỉnh ủy Bắc Ninh, Huyện ủy Gia Lâm và nhân dân các xã giáp sân bay như Ái Mỗ, Thạch Cầu, Trạm, Nha…, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tác chiến kỹ càng. Lực lượng bộ đội phối hợp với dân quân địa phương, đêm 3 rạng sáng 4 -3-1954, đã tập kích sân bay Gia Lâm. Kết quả là đã phá hủy 18 máy bay các loại và đốt cháy kho xăng của địch.

Trận đánh sân bay Gia Lâm đã góp phần chặn đường tiếp tế của thực dân Pháp cho cứ điểm Điện Biên Phủ chuẩn bị khai chiến. Hòa chung tiếng súng chiến thắng của quân và dân Hà Nội, quân và dân Hải Phòng đã mở trận tập kích sân bay Cát Bi đêm 7-3-1954, giành chiến thắng vang dội: Đã phá hủy và đốt cháy hơn 50 máy bay các loại, trong đó phần lớn là máy bay chiến đấu và máy bay vận tải của địch, phá hủy nhiều vũ khí…, làm tê liệt hoạt động tiếp viện cho cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp.

Khi chiến trường Điện Biên Phủ đang diễn ra rất ác liệt, nhu cầu tiếp tế rất lớn, thực dân Pháp phải sử dụng đường sắt vận chuyển vũ khí, đạn dược và hậu cần từ Hải Phòng lên Hà Nội để chuyển tiếp lên Điện Biên Phủ. Tiếp tục đánh vào đường tiếp tế của địch, chiều 4-4-1954, quân và dân Gia Lâm đã đánh lật nhào đoàn tàu có 13 toa chuyên chở vũ khí, quân lương từ Hải Phòng lên Hà Nội, làm cho quân Pháp thêm điêu đứng khi chiến trường Điện Biên Phủ đang bị quân ta vây hãm. Đến cuối tháng 4-1954, công nhân Sở binh lương Xi ta đen đã đốt kho làm cháy hàng ngàn chiếc dù và quân trang khác, là những đồ địch chuẩn bị tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Tiếp tục hoạt động phối hợp với thắng lợi của quân ta trên chiến trường Điện Biên Phủ, Ban Địch vận Mặt trận Hà Nội có nhiều hoạt động phong phú, linh hoạt, thúc đẩy binh lính địch đào, rã ngũ. Ban Địch vận và các cơ quan đã tổ chức in ấn truyền đơn, giấy thông hành để các tổ chức, đoàn thể bằng nhiều cách tiếp cận đến binh lính, vận động họ bỏ ngũ, giúp họ ra vùng tự do. Kết quả đã có nhiều cuộc bãi binh, rã ngũ xảy ra như: Tiểu đoàn dù số 5 đóng quân ở Trường Bưởi, tiểu đoàn dù số 7 đóng quân ở Việt Nam học xá không muốn tham chiến ở chiến trường Điện Biên Phủ. Cao điểm là hơn 1.000 binh lính đóng quân ở khu vực sân bay Bạch Mai đã đào ngũ…

Trong suốt thời gian tạm bị chiếm, quân và dân Hà Nội đã kiên trì và quyết tâm tổ chức nhiều hình thức đấu tranh, kết hợp giữa đấu tranh chính trị, kinh tế, binh địch vận và hoạt động quân sự, phối hợp chặt chẽ với các chiến trường chính. Những cuộc đấu tranh liên tục với nhiều hình thức ở ngay sào huyệt của quân địch làm cho trung tâm đầu não chỉ huy không yên ổn. Các hoạt động quân sự mạnh mẽ, quyết liệt đánh vào cơ sở quân sự, hậu cần, nguồn lực trực tiếp cho chiến trường Điện Biên Phủ là những chiến công to lớn, góp phần xứng đáng vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

------------

[1] Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000) Nxb, Hà Nội, 2004, tr256.

PGS.TS Phan Hữu Tích

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top