Những dấu mốc lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

08:23 - Thứ Bảy, 04/05/2024 Lượt xem: 7657 In bài viết

ĐBP - Chiến dịch Điện Biên Phủ được xem là một cột mốc đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của họ nói chung sau Chiến tranh thế giới thứ hai, qua đó chấm dứt hơn 400 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1. Ảnh: Trần Dũng

BỘ CHÍNH TRỊ QUYẾT ĐỊNH MỞ CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh. Ngày 3/12/1953, quân đội Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành Tập đoàn cứ điểm mạnh, bố trí những đơn vị thiện chiến chiếm giữ. Đờ-cát được chỉ định làm chỉ huy trưởng Tập đoàn cứ điểm quan trọng này.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thành lập Bộ Chỉ huy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Mặt trận và thông qua kế hoạch tác chiến chiến dịch. 

Quân đội Nhân dân Việt Nam phất cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tại cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu

ĐỢT MỘT CHIẾN DỊCH

Trận mở màn Him Lam

15 giờ ngày 13/3/1954, các đơn vị của Đại đoàn 312 bắt đầu xuất phát tiến ra trận địa ở đồi Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 17 giờ 5 phút, trận đánh bắt đầu, 40 khẩu pháo và súng cối của quân ta đồng loạt khai hỏa, bắn cấp tập vào cụm cứ điểm Him Lam. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ bắn pháo liên tục và dữ dội thì bộ binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam xung phong tấn công như vũ bão vào cụm cứ điểm Him Lam. Sau hơn 3 giờ đồng hồ tấn công, Đại đoàn 312 đã xóa sổ cứ điểm Him Lam. Đến 23 giờ 30 cùng ngày, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn đã báo cáo tới Bộ Chỉ huy chiến dịch: “Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, xóa sổ hoàn toàn Tiểu đoàn III/13e DBLE, thu giữ toàn bộ vũ khí, trang bị”. Trong trận mở màn, xuất hiện gương chiến đấu dũng cảm của Anh hùng Phan Đình Giót, ông đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai và anh dũng hi sinh, tạo điều kiện cho bộ đội xung phong tiêu diệt địch.

Trận đồi Độc Lập

Nhiệm vụ tiến công đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) dưới quyền chỉ huy của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ. 3 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, Chỉ huy trưởng trận đánh hạ lệnh tiến công, cả lựu pháo và sơn pháo lúc này lại lên tiếng. Đến 6 giờ 30 phút sáng ngày 15/3, Quân đội Nhân dân Việt Nam cắm cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” lỗ chỗ vết đạn trên đỉnh đồi Độc Lập. Tiểu đoàn V/7e RTA của Pháp bị xóa sổ. Cũng trong sáng 15/3, Trung tá Pi-rốt, chỉ huy pháo binh cứ điểm, sau hai đêm không thực hiện được lời hứa phá hủy các họng pháo của Việt Minh, đã tự sát trong hầm của mình bằng một trái lựu đạn. 

Bộ đội Việt Minh tấn công đồi A1. Ảnh tư liệu

Trận Bản Kéo

Ngày 17/3/1954, Đồn Bản Kéo nhận tin Việt Minh sắp tiến công. Đại úy Đồn trưởng Clarchambre mở cổng, ra lệnh cho binh lính theo mình về sân bay. Nhưng binh lính không còn nghe theo lời chỉ huy, ào ào chạy về phía khu rừng. Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) chiếm gọn bản Kéo mà không tốn một viên đạn. Thừa thắng xông lên, Trung đoàn 36 tiến thẳng vào bản Kéo và chiếm luôn cả các ngọn đồi ở phía Bắc sân bay Mường Thanh.

ĐỢT HAI CHIẾN DỊCH

Đào hào vây lấn - Tấn công giáp lá cà

17 giờ ngày 30/3 - 30/4/1954, đợt tấn công thứ 2 bắt đầu và kéo dài 30 ngày đêm ác liệt. Nhiệm vụ đợt tấn công này là đánh chiếm các ngọn đồi phía Đông, đánh chiếm sân bay Mường Thanh triệt đường tiếp tế và tiếp viện, thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của phân khu trung tâm. Những tuyến chiến hào dài hơn 100km theo chiến thuật “cài răng lược” được thực hiện. Suốt ngày đêm, từng giờ, những chiến hào nổi, chiến hào ngầm của bộ đội nhích dần đến gần phân khu trung tâm. Từ những đoạn hào chỉ cách quân Pháp vài chục mét, bộ đội Việt Minh dùng súng ĐKZ (hoặc Bazooka) bắn sập những lô cốt, ụ súng, tạo điều kiện cho những chiến sĩ khác lao lên xung phong, tấn công kẻ địch ở cự ly gần.

Đồi A1 là điểm cao quan trọng nhất trong 5 ngọn đồi phía Đông, nó cũng là điểm cao cuối cùng che chở cho phân khu trung tâm. Từ 30/3 - 4/4 bộ đội ta 3 lần tổ chức tấn công, địch dựa vào hệ thống hầm ngầm ngoan cố chống cự, tổ chức nhiều cuộc phản công có xe tăng và pháo binh yểm hộ, mỗi bên chiếm một nửa đồi A1.

Trường đoạn “Chiến thắng Điện Biên” thuộc bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: C.T.V

ĐỢT BA CHIẾN DỊCH

Khối bộc phá nghìn cân và khúc khải hoàn

Bộ chỉ huy mặt trận quyết định mở đợt tấn công thứ 3 - đợt tấn công cuối cùng bắt đầu vào đêm 1/5/1954. Nhiệm vụ đợt chiến đấu này được xác định cụ thể là: Đánh chiếm và tiêu diệt các cứ điểm còn lại của địch, uy hiếp trung tâm, chớp thời cơ tiến hành tổng công kích. Mấu chốt của đợt tấn công thứ 3 là chiếm đồi A1 với việc khai hỏa khối bộc phá nặng 960kg đã được bộ đội ta đào hầm, vận chuyển vào lòng đồi trước đó.

Tối 6/5/1954, 3 người trong tổ bộc phá nhận lệnh thầm lặng men tới đồi A1. Trước khi đi, người chỉ huy hỏi Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Bạch (Anh hùng Nguyễn Văn Bạch): Có dặn (trăng trối) gì không? Ông đáp: “Không!”, rồi đi đến vị trí giật nụ xòe, cách cửa hầm 20m chờ lệnh. Theo kế hoạch, nếu nụ xòe hỏng, Tiểu đội trưởng Bạch sẽ chấp nhận hi sinh tính mạng để điểm hỏa trực tiếp bằng tay… Đúng 20 giờ 30 phút, một tiếng nổ trầm đục phát ra, mặt đất rung chuyển, một đám khói lớn phụt lên từ đồi A1. Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét, thổi bay chiếc lô cốt bên trên, tiêu diệt phần lớn Đại đội dù 2 của Pháp. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 đồng thời được chọn làm hiệu lệnh xung phong cho đợt tổng công kích.

15 giờ ngày 7/5/1954, quân ta được lệnh mở cuộc tổng công kích vào Tập đoàn cứ điểm. 17 giờ 30 cùng ngày, Đại đoàn 312 báo cáo lên: “Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ-cát”. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch kết thúc với thắng lợi hoàn toàn thuộc về ta.

Phạm Dương (b/s)
Bình luận

Tin khác

Back To Top