Đóng góp của quân dân Lào trong Chiến thắng Điện Biên Phủ

06:29 - Thứ Bảy, 11/05/2024 Lượt xem: 5440 In bài viết

Cách đây 70 năm, dù còn trong tình cảnh muôn vàn khó khăn, quân dân Lào đã hỗ trợ quân đội Việt Nam lương thực, thực phẩm, góp phần đánh tan lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào, tạo thế trận bao vây toàn diện quân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Những đóng góp quý báu và chân thành đó đã đặt những viên gạch xây dựng vững chắc nền móng của tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào đến hôm nay.

Liên quân Việt - Lào trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TTXVN

Đầu tháng 1-1954, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị bao vây chặt. Tướng Pháp Henri Eugène Navarre cảm thấy lo lắng nên vội vàng huy động không lực thả dù 6 tiểu đoàn Âu, Phi lấy từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sơn Tây xuống Mường Khoa thuộc tỉnh Phongsaly (Lào), phía Tây Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hòng hỗ trợ cho Tập đoàn cứ điểm này. Quân Pháp lập phòng tuyến sông Nậm Hu (Nam Ou) chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào.

Thực hiện phương án "Đánh chắc, tiến chắc" đã được Trung ương Đảng chấp thuận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định phải đập tan tuyến phòng thủ nói trên để cô lập hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trước khi mở màn chiến dịch. Ban Chỉ huy Mặt trận đã đưa toàn bộ Đại đoàn 308, gồm 3 trung đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn trinh sát, tiến sang Lào. Lần đầu tiên, 80 nữ dân công Việt Nam mỗi người vác 30kg gạo, đi theo bộ đội Việt Nam sang Lào.

Ngày 25-1-1954, quân ta đã vượt biên giới Việt Nam - Lào tại Sốp Nạo, tiến đánh trận địa phòng ngự lớn nhất của Pháp tại Mường Khoa (Lào), nơi có 3 tiểu đoàn và công sự kiên cố, có máy bay yểm trợ, Pháp gọi là trận địa "Con Nhím". Ban Chỉ huy Đại đoàn quyết định dùng 2 tiểu đoàn đánh địch theo phương châm phải đánh quyết liệt, chia cắt để tiêu diệt hoặc bắt sống, làm tan rã trận địa địch.

Chỉ sau 20 phút tấn công, bọn lính từ Đồng bằng sông Hồng sang đã rối loạn. Chúng chạy xuống sông Nậm Hu và chui vào rừng ẩn nấp. Quân ta bắt sống khoảng 100 tên, trong đó có thiếu tá Babarie và Vôdray. Cả hai cùng khai, Bộ Chỉ huy quân Pháp đã biết Đại đoàn 308 tiến qua Lào và cho phép quân Pháp bỏ trận địa chạy lấy người về cố đô Luang Prabang.

Từ đây, quân ta bắt đầu truy kích trên toàn tuyến, từ đường mòn xuống sông và lên núi trải dài trên 300km, ngày nghỉ, đêm truy kích đến cố đô Luang Prabang. Sau 5 ngày truy kích, đến Nậm Bạc (Nambak) thì hết gạo. Bộ đội phải ăn đói. Vừa lúc đó, các đoàn dân công của Lào từ các làng bản đã mang gạo, lợn, gà, bí xanh, bí đỏ xuống cho bộ đội. Ban Chỉ huy Đại đoàn là Chính ủy Lê Quang Đạo và Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đã gặp Bí thư Tỉnh ủy Luang Prabang Khăm Munti, và Chính ủy quân Tình nguyện Việt Nam Nguyễn Sĩ Hoạt đề nghị vận động dân công Lào chuyển giúp gạo và thực phẩm xuống ven đường để bộ đội tiện đường truy kích quân địch.

Ban Chỉ huy chiến dịch và Tỉnh ủy Luang Prabang đã quyết định huy động nhân dân Lào chuyển thóc xuống các làng bản xung quanh nơi đóng quân để giã gạo. Các cô dân công Việt Nam và các cô gái Lào giã gạo liên tục để cung cấp cho bộ đội. Nhiều tù binh Pháp bị đói và mệt. Mặc dù máy bay Pháp quần thảo, nhưng người dân Lào không sợ. Dân bản vẫn hăng hái giã gạo, xem bộ đội mổ lợn, nấu cơm... Không khí chan hòa.

Sau đó, bộ đội ta phối hợp với quân tình nguyện và quân đội Lào truy kích thêm một tuần thì đến bờ sông Mê Kông tại hang Pak Ou. Ban Chỉ huy chiến dịch đã quyết định làm bè tre và động viên nhân dân đưa thuyền độc mộc chở bộ đội vượt sông. Hơn chục nữ dân công và một số cô gái Lào xin đi theo bộ đội qua sông trong không khí chiến thắng hào hùng. Các cô gái Việt Nam luôn miệng hỏi: “Đây là sông Mê Kông à? Còn bao nhiêu nữa thì đến cố đô xứ Triệu Voi?”... Vượt sông, bộ đội tiến đánh đồn Ban Na, gần cố đô Luang Prabang, nhưng địch cũng đã bỏ chạy. Cả trẻ con, người già đều rủ nhau ra đón và xem bộ đội Việt Nam trẻ trung, tươi cười vẫy chào nhân dân Lào.

Quân ta đã tiến gần sân bay trên đường vào cố đô Luang Prabang, quân địch mất tinh thần chiến đấu trước bộ đội Đại đoàn 308. Pháp đã rục rịch cho vua Lào Sisavang di tản... Nhưng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lệnh cho Đại đoàn 308 quay về Điện Biên để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước khi rút về, Đại đoàn 308 đã tổ chức liên hoan, có đoàn văn công tiền tuyến biểu diễn. Đêm đó, nhân dân Lào đến dự liên hoan và xem bộ đội Việt Nam rất đông.

Đại đoàn phó Cao Văn Khánh khẳng định, trận đánh đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Phongsaly. Đồng chí Cao Văn Khánh nói: “Quân ta đông thế này, nếu không được nhân dân Luang Prabang tiếp tế gạo thì làm sao có sức đánh địch”. Ban Chỉ huy chiến dịch tuyên dương quân và dân Luang Prabang đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lê Mai
Phó Ban Liên lạc toàn quốc Quân tình nguyện
và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top