Lựa chọn cấp phó và trách nhiệm người giới thiệu

06:06 - Chủ Nhật, 12/05/2024 Lượt xem: 4923 In bài viết

Bộ Chính trị mới đây ban hành Quy định 142-QĐ/TW ngày 23-4-2024 thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Theo đó, người đứng đầu được quyền giới thiệu nhân sự cấp phó để giúp việc cho mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động của cơ quan. Việc thí điểm này chỉ được áp dụng từ cấp huyện trở lên. Quy định mới này sẽ gỡ nút thắt đối với nhu cầu xây dựng được “ê kíp” làm việc tốt hơn, giúp công việc cơ quan đơn vị trôi chảy hơn. Tuy nhiên, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự cũng được quy định rõ ràng hơn, ngay cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Trước hết, phải khẳng định rằng, sau nhiều vụ cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng vì chịu trách nhiệm người đứng đầu khi để cấp dưới của mình vi phạm khuyết điểm, làm sai, làm trái pháp luật, tham nhũng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và của cá nhân, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… thì việc ban hành Quy định 142-QĐ/TW thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định 142) được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng; vừa bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, giữ gìn đoàn kết nội bộ; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Để chủ trương đi vào thực tiễn, đúng nguyên tắc, hạn chế sai sót, Quy định 142 quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ, gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của đơn vị mình; bầu bổ sung ủy viên Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý.

Người đứng đầu được quyền giới thiệu 1 nhân sự trong quy hoạch tại chỗ, hoặc 1 nhân sự từ nguồn ở nơi khác cho 1 chức danh để cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét đưa vào danh sách, tiến hành quy trình công tác cán bộ để hoàn thiện ban lãnh đạo của cơ quan, đơn vị mà mình được giao phụ trách.

Có thể thấy, Quy định 142 đã tăng quyền cho người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp phó trực tiếp của mình. Đồng thời, cũng quy trách nhiệm đích danh người giới thiệu.

Đó là, “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu với hai trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không đảm bảo điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và miễn nhiệm cán bộ không đủ căn cứ, thủ tục.”

Nếu so với Điều 21 Quy định 80/QĐ-TW năm 2022: “Cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử", thì Quy định 142 thực sự là một đột phá của Đảng khi đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp dưới của mình, chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sai sót trong việc giới thiệu nhân sự. Mặc dù trong quy trình giới thiệu nhân sự ấy, đôi khi, tiếng nói quyết định đã thuộc về một cá nhân nắm quyền lãnh đạo cao nhất!

Thực tế cho thấy, đã có không ít trường hợp lợi dụng chủ trương trẻ hóa cán bộ, nhiều quan chức đã bắt tay nhau để đưa anh em, con cháu, đồng hương, hoặc vì lợi ích phe nhóm mà đã giới thiệu “người của mình” vào vị trí lãnh đạo khác nhau. Tình trạng "cả nhà làm quan, cả họ làm quan" không phải không từng xảy ra.

Với Quy định 142 này, Đảng ta tiếp tục khuyến khích tạo ra sự minh bạch, công tâm hơn trong công tác tổ chức cán bộ, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, đào tạo, giới thiệu những nhân sự kế cận. Nếu được thực thi nghiêm túc, quy định này sẽ góp phần hình thành một đội ngũ lãnh đạo có đầy đủ phẩm chất đạo đức, năng lực, trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Một chủ trương dù tiến bộ đến đâu, kết quả chủ yếu vẫn phụ thuộc vào cái tâm, cái tài của người thực hiện. Vì vậy, để Quy định 142 đi vào cuộc sống, đòi hỏi người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phải có con mắt “tinh đời” khi lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp phó, sao cho đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác…, đảm bảo nguyên tắc công tâm, không vụ lợi, vì lợi ích chung; không viện cớ xây dựng “ê kíp” làm việc mà cố tình đưa những người chưa đạt chuẩn vào hàng ngũ lãnh đạo, nhằm kết bè kéo cánh, tư lợi, bất chấp hậu quả có thể gây ra cho đất nước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top