Bảo đảm Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV chất lượng, hiệu quả cao nhất

07:09 - Chủ Nhật, 19/05/2024 Lượt xem: 3500 In bài viết

Hội nghị thường kỳ giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ để rà soát một số nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, trao đổi, thống nhất chỉ đạo nội dung chương trình và cách thức tổ chức tiến hành nhằm bảo đảm kỳ họp diễn ra thông suốt, với chất lượng, hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Chiều 18/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư phụ trách Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng Đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, các thành viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ và thành viên khác của Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí thư phụ trách Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là hội nghị thường kỳ giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ để rà soát một số nội dung chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, trao đổi, thống nhất chỉ đạo nội dung chương trình và cách thức tổ chức tiến hành nhằm bảo đảm kỳ họp diễn ra thông suốt, với chất lượng, hiệu quả cao nhất, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024, dự kiến bế mạc ngày 28/6 và được tổ chức thành 2 đợt (đợt 1 từ ngày 20/5 đến sáng 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6). Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26,5 ngày, dự phòng 1 ngày.

Kỳ họp thứ 7 sẽ xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn với 42 nội dung về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ngay sau Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ kỳ họp. Đến nay, cơ bản các tài liệu phục vụ kỳ họp đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, trong đó, việc gửi hồ sơ, tài liệu đến các đại biểu Quốc hội đã có tiến bộ so với các Kỳ họp trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, hai bên đã cơ bản thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua 10 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 11 dự án luật khác; trình Quốc hội xem xét các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo của một số cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; công tác nhân sự; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Tại Phiên họp thứ 33 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình kỳ họp 2 nội dung Chính phủ đề nghị, gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 7 có khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo quá trình tiến hành kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, các thành viên của Ban Cán sự đảng Chính phủ trao đổi thẳng thắn, có ý kiến về những nội dung quan trọng, những vấn đề cần lưu ý, tiến độ chuẩn bị và chất lượng các hồ sơ tài liệu, nhất là các nội dung mới được bổ sung vào chương trình kỳ họp, từ đó, đề xuất những cách làm phù hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.

Hội nghị đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Trên tinh thần tập trung, thẳng thắn, cầu thị, các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ đánh giá công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 đến nay đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng các điều kiện để tiến hành Kỳ họp. Hội nghị cũng cho ý kiến cụ thể về thời gian gửi hồ sơ tài liệu, việc bảo đảm các quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng đối với các nội dung Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện và đề xuất trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp. Trên cơ sở đó, Hội nghị đã thống nhất một số nội dung, chương trình tại Kỳ họp.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại... của đất nước thời gian qua đã góp phần chứng minh điều này.

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Thủ tướng nêu rõ, ngay sau Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ đã khẩn trương xem xét, báo cáo giải trình các nội dung trình Quốc hội. Về một số nội dung còn chậm tiến độ, đề xuất bổ sung sát Kỳ họp, Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan đang khẩn trương hoàn thiện, Chính phủ sẽ nỗ lực cao nhất, bảo đảm nhanh nhất và chất lượng cao nhất để đề xuất Quốc hội bổ sung vào chương trình Kỳ họp.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Kỳ họp thứ 7, trong đó có công tác nhân sự, bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các cơ quan triển khai nghiêm túc kết quả Hội nghị Trung ương 9, khoá XIII và phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Với một số nội dung còn có phương án khác nhau trong dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, đặt lợi ích chung của đất nước, của nhân dân lên hàng đầu để xem xét thấu đáo, đạt sự đồng thuận cao nhất, kinh nghiệm cho thấy, không có vướng mắc gì là không giải quyết được.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, thời gian từ nay đến ngày khai mạc chỉ còn 1 ngày, các cơ quan cần tiếp tục tập trung cao độ, nỗ lực tối đa, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thành việc chuẩn bị toàn bộ nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp, bảo đảm để đại biểu có thời gian nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, góp phần bảo đảm chất lượng các quyết sách của Quốc hội.

Với 7 nội dung mới đang được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp, trên cơ sở ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ bảo đảm đúng quy trình theo quy định của pháp luật. Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban rà soát về hồ sơ tài liệu, thời gian gửi tài liệu, các nội dung cụ thể và sắp xếp thời gian để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Trên tinh thần giải quyết kịp thời các vấn đề quan trọng, cấp bách của quốc gia, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, vì mục tiêu kiến tạo đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ đề xuất bổ sung chương trình của Chính phủ nhưng cần quán triệt quan điểm của Trung ương “những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh”, đồng thời phải đầy đủ hồ sơ, tài liệu, các căn cứ và có đủ thời gian cho các cơ quan của Quốc hội tổ chức thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; những vấn đề vượt thẩm quyền phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top