99,7% kiến nghị cử tri đã được giải quyết

14:19 - Thứ Hai, 20/05/2024 Lượt xem: 4535 In bài viết

Đã có 2.210/2.216 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.

Sáng 20-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo.
Ảnh: media.quochoi.vn.

Thực hiện hiệu quả chính sách tiền lương

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ bảy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cho biết, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 63/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân các tỉnh, thành phố; 37/63 báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội; 23 báo cáo của các tổ chức thành viên; 16 ý kiến, kiến nghị của các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tổng số 1.502 lượt ý kiến.

Trong bối cảnh, tình hình hiện nay, cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc”, “bôi nhọ”, làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Cử tri kiến nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội… vì đây là bộ phận cư dân khó khăn nhất hiện nay. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt.

Cử tri cũng đề nghị có giải pháp đồng bộ, căn cơ, có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và bảo đảm cho sản xuất ở một số vùng khó khăn, như vùng núi, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trên toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý, đang xảy ra khá phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát.

Cưe tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1-7-2024. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn.

Cầu thị, tích cực, chủ động giải quyết kiến nghị của cử tri

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ sáu, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.216 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, một số lĩnh vực được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Giao thông Vận tải; Giáo dục - đào tạo; Nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 2.210 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%.

Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời đầy đủ 62/62 kiến nghị. Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong công tác xây dựng luật, các luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi, thực hiện ổn định, lâu dài. Hoạt động giám sát tiếp tục thể hiện sự đổi mới liên tục, giám sát có trọng tâm, trọng điểm về những nội dung bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, kết quả được đông đảo cử tri và nhân dân ghi nhận.

Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.117/2.122 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã thể hiện tính cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Việc nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết khiếu nại tố cáo đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân cả nước.

Tuy nhiên, việc gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ sáu của một số đoàn đại biểu Quốc hội chưa bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp yêu cầu các cơ quan Trung ương giải quyết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý khiếu nại tố cáo; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp khiếu nại tố cáo sau khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri theo quy định.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top