Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

08:19 - Thứ Ba, 21/05/2024 Lượt xem: 3523 In bài viết

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20-5-2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận “một cửa” quận Tây Hồ. Ảnh: Quang Thái

Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo; nhiều chương trình, đề án, kế hoạch đã được triển khai; các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Công tác cải cách TTHC đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cắt giảm chi phí cho xã hội.

Tuy nhiên, qua kết quả thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương và phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách TTHC như: (1) Một số quy định, TTHC tại một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn chồng chéo, mâu thuẫn; (2) Quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian; (3) TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp; (4) Việc cắt giảm, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân còn hạn chế; tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; (5) Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC chủ yếu theo phương thức truyền thống hồ sơ giấy, theo địa giới hành chính.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như: (1) Công tác cải cách TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức; (2) Thói quen làm việc theo phương thức truyền thống, chưa theo kịp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; (3) Trình độ của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực thi công vụ; (4) Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu đồng bộ, nhiều hệ thống đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp, phát triển.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC tại các Chương trình, Đề án, Kế hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5-1-2024 của Chính phủ, Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2024, Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27-10-2023, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ.

Cải cách, cắt giảm TTHC ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Về cải cách, cắt giảm TTHC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm TTHC ngay trong quá trình xây dựng VBQPPL, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với quy định TTHC, thực hiện tốt việc tham vấn (tăng cường tham vấn trên môi trường điện tử), thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo VBQPPL, bảo đảm các TTHC được quy định đúng thẩm quyền, cần thiết, hợp lý, khả thi, thực hiện trên môi trường điện tử và chi phí tuân thủ thấp nhất. Đồng thời, chấn chỉnh, rà soát và đề xuất sửa đổi các quy định để tránh gây bất cập, mâu thuẫn trong việc giao địa phương ban hành văn bản quy định bộ phận tạo thành của TTHC theo đúng quy định của Luật ban hành VBQPPL.

Tập trung xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; phân cấp trong giải quyết TTHC; các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên; TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng một Nghị định sửa nhiều Nghị định, một Quyết định sửa nhiều Quyết định, một Thông tư sửa nhiều Thông tư và ưu tiên thực hiện trình tự thủ tục rút gọn theo quy định. Đồng thời, xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa theo lộ trình được phê duyệt.

Khẩn trương rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực được giao, nhất là TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản… và các giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Kế hoạch cải cách TTHC trọng tâm năm 2024 gửi Văn phòng Chính phủ chậm nhất trong tháng 5-2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực hiện phương án ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, khẩn trương công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau và giữa các bộ, cơ quan với các Cục, Vụ và tương đương; xác định đúng phạm vi, thẩm quyền ban hành TTHC nội bộ để rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung triển khai cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện TTHC, bảo đảm tiến độ, thực chất, hiệu quả.

Đẩy mạnh công tác truyền thông trong cải cách TTHC để người dân, cộng đồng doanh nghiệp biết và đồng hành cùng Chính phủ.

Chỉ duy trì những TTHC thật sự cần thiết, chi phí tuân thủ thấp nhất

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương công bố đầy đủ TTHC nội bộ giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện; xác định đúng phạm vi, thẩm quyền ban hành TTHC nội bộ để rà soát, đơn giản hóa, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp với các cơ quan có liên quan nâng cao chất lượng thẩm định quy định về TTHC tại dự thảo VBQPPL, bảo đảm chỉ ban hành và duy trì những TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xem xét báo cáo Quốc hội sửa đổi các quy định của Luật ban hành VBQPPL về quy định TTHC trong dự thảo VBQPPL, kiên quyết cắt giảm các TTHC không cần thiết, đặc biệt là các TTHC để thực hiện các biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa, bảo đảm tính khoa học, khả thi.

Đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC

Về cải cách việc thực hiện TTHC, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu; nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT đồng bộ từ trung ương đến địa phương phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Tập trung triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng là trung tâm.

VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC

Tập trung triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11 -2-2024 của Thủ tướng Chính phủ để xử lý dứt điểm các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu, nguồn nhân lực, kinh phí.

Bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 1-7-2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5-9-2022 của Chính phủ.

Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nhiệp; tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, TTHC; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác giải quyết TTHC.

Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra cải cách TTHC nhằm nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời xử lý các trường hợp né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Định kỳ hằng tháng, công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương.

Tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính

Về triển khai thí điểm Mô hình mẫu bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024 trước khi tổng kết, nhân rộng vào năm 2025 với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính, tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại 1 địa điểm trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao tính chuyên nghiệp và đề cao trách nhiệm của bộ phận một cửa trong giám sát, đôn đốc việc giải quyết TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.

Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm giấy phép và đổi mới hoạt động cấp phép tại các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2025 - 2030 để tiếp tục cắt giảm thực chất, hiệu quả TTHC tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trong tháng 12-2024.

Khẩn trương xây dựng tài liệu Mô hình mẫu về bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn, hoàn thành trong quý II năm 2024, báo cáo Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để tổ chức thí điểm trong năm 2024 tại các địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh.

Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm thực chất, hiệu quả theo các tiêu chí về chất lượng dịch vụ, tính hữu ích, tính dễ sử dụng.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, thúc đẩy việc triển khai cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương; phối hợp chặt chẽ với Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ kịp thời lắng nghe để nhận diện, xử lý các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, TTHC là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top