Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ

15:11 - Thứ Sáu, 24/05/2024 Lượt xem: 4330 In bài viết

Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị cần bổ sung thêm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xã hội. Việc bổ sung này cũng phù hợp với nguyên tắc của dự thảo Luật...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: TTXVN

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày nêu rõ: Ngày 13/5/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 826/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 08 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh. UBTVQH nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn.

Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã rất hạn chế, dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát. UBTVQH tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh, đồng thời chỉnh lý quy định về cơ quan, tổ chức nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước để bảo đảm tính thống nhất.

Liên quan đến nội dung về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, một số ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử, cụ thể: đối với tài liệu lưu trữ số, thời hạn tối đa là 30 tháng; đối với tài liệu lưu trữ giấy, thời hạn tối đa là 5 năm, tính từ năm kết thúc công việc.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử tối đa là 5 năm, nhưng tính từ năm tài liệu được nộp vào lưu trữ hiện hành và áp dụng thống nhất cho cả tài liệu giấy và tài liệu số với các lý do như: Việc rút ngắn thời hạn nộp tài liệu vào lưu trữ lịch sử góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ; hạn chế tình trạng thất thoát tài liệu lưu trữ vĩnh viễn và giúp bảo quản tài liệu lưu trữ tốt hơn...

Hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể điều kiện kinh doanh trong Luật. Ý kiến khác đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết, không quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, do đó cần có sự quản lý chặt chẽ.

Mặc dù Luật Đầu tư hiện hành không quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên, Điều 36 của Luật Lưu trữ hiện hành đã quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Chính phủ trình; đồng thời, bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh để bảo đảm minh bạch và giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều kiện có tính kỹ thuật, chuyên ngành về lưu trữ.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động lưu trữ

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản tán thành với nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đồng thời nhất trí rằng dự thảo Luật đã bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua; khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ hiện hành và kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...

Cho ý kiến về quy định chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề xuất chỉnh sửa 2 vấn đề: Một là, điểm a khoản 1 Điều 55 quy định Bộ Nội vụ có thẩm quyền trong cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Cụ thể là Bộ Nội vụ hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ trong phạm vi toàn quốc; cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và việc cấp, sử dụng và quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 56 cũng quy định: Chứng chỉ hành nghề lưu trữ do Bộ Nội vụ cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện kinh doanh dịch vụ lưu trữ. Bởi vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu điều chỉnh theo hướng quy định về thẩm quyền này tập trung vào một Điều 55 hoặc Điều 56.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, lưu trữ là hoạt động lưu giữ tài liệu nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Theo đại biểu, khái niệm này cần bổ sung thêm “bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các cá nhân, tổ chức, cơ quan trong xã hội”. Việc bổ sung này cũng phù hợp với nguyên tắc của dự thảo Luật (bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật).

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần sửa đổi quy định tại Điều 61 nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa Luật Lưu trữ và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó, việc xác định những ai được tiếp cận với nguồn tài liệu điện tử đó cũng cần được quan tâm và xác định chi tiết.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top