Hôm nay, Quốc hội dành cả ngày thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

09:12 - Thứ Hai, 27/05/2024 Lượt xem: 4244 In bài viết

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (27/5), Quốc hội dành cả ngày làm việc để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Quang cảnh một phiên thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Đồng thời, tổ chức các tọa đàm chuyên gia để cho ý kiến về một số nội dung lớn của dự thảo Luật, tổ chức các cuộc làm việc với các cơ quan có liên quan, gửi văn bản đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan có ý kiến về nội dung tiếp thu, chỉnh lý sơ bộ.

Mới đây, dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (15/3), sau đó được trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (31/3).

Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 12 ngày 3/5 vừa qua, Ủy ban Xã hội đã tổ chức tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên họp, các đại biểu đã phát biểu, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung quan trọng của dự thảo Luật như: chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý; cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; bảo hiểm hưu trí bổ sung; khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội của cơ quan hành chính nhà nước...

Cần có giải pháp để người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội

Trao đổi bên lề nghị trường Kỳ họp thứ 7 về một số nội dung trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) bày tỏ quan tâm đến quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần và quy định về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đây là những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau mà nhiều đại biểu Quốc hội tham gia góp ý.

Đại biểu cho rằng, dù lựa chọn phương án nào, điều quan trọng là chúng ta phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, đó mới là giải pháp căn cơ và lâu dài.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương).

Về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu cho biết đây là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp, nội dung này đã có tiền lệ trong quá khứ gặp phải phản ứng của một bộ phận người lao động khi có đề xuất thay đổi.

Đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong nghiên cứu, đánh giá tác động một cách thận trọng, đa chiều để đề xuất 2 phương án có thể nói là tối ưu trình Quốc hội xem xét.

Phương án 1: Quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau: Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, nếu có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng trước những khó khăn trong thời gian qua cũng như dự báo kinh tế thế giới sắp tới vẫn còn nhiều biến động, dư luận xã hội và người lao động nhận thức vẫn còn chưa sâu về quyền lợi lâu dài mà bảo hiểm xã hội mang lại khi người lao động bước vào độ tuổi nghỉ hưu, thì việc thiết kế có lộ trình hợp lý sẽ giúp người lao động, người dân thấu hiểu rõ bản chất cốt yếu của chính sách bảo hiểm xã hội, từ đó thay đổi dần nhận thức và tạo sự đồng thuận cao với những quyết sách của Quốc hội.

“Mỗi phương án đưa ra đều có ưu điểm và nhược điểm. Dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại hoặc nhanh chóng trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, đó mới là giải pháp căn cơ và lâu dài”, đại biểu đoàn Bình Dương nhấn mạnh.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top