Lấy ý kiến dự thảo quy định chi tiết Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

12:18 - Thứ Hai, 27/05/2024 Lượt xem: 4341 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (27/5), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm 7 chương, 78 điều quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm quy định tại Luật Nhà ở năm 2023, như: Lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn; trình tự, thủ tục bán, cho thuê nhà ở xã hội…

Một số ý kiến đề nghị xem xét lại một số nội dung trong dự thảo Nghị định, như: Các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Việc nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê; việc nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ sau thời hạn 5 năm thì ngoài các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật, bên bán phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Việc quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội thay thế, hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 19 của dự thảo Nghị định quy định trường hợp đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với tiêu chuẩn diện tích lô đất nhà ở xã hội là nhà ở riêng lẻ không vượt quá 70m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 1,0 lần được quy định tại Điều 27 cần cân nhắc lại. Đối với nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê thì hộ gia đình, cá nhân tự xác định giá nhưng không được cao hơn khung giá do UBND cấp tỉnh nơi có nhà ở xã hội cho thuê ban hành.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhằm cụ thể hóa các nội dung đã được quy định tại Chương VI Luật Nhà ở và được Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu  tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Trên cơ sở thảo luận, ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các thủ tục về nhà ở xã hội; tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với nhà ở xã hội. Đồng thời, xác định các đối tượng nhà ở xã hội; làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, tính khả thi trong triển khai các điều khoản Nghị định; rà soát, làm rõ phạm vi điều chỉnh, đảm bảo tính thực thi của Luật khi đi vào cuộc sống.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top