Chưa có phương án tối ưu về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

14:27 - Thứ Hai, 27/05/2024 Lượt xem: 3727 In bài viết

Sáng 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Tiếp tục trình 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án.

Phương án 1, người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm; Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo.
Ảnh: media.quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Về chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và biện pháp xử lý, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng làm rõ nội hàm, tách riêng các điều quy định về từng hành vi và biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi bổ sung chế tài tạm hoãn xuất cảnh quy định theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Về đối tượng chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”.

Dự thảo Luật bổ sung quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách nhà nước bảo đảm và giao Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) phát biểu thảo luận. Ảnh: media.quochoi.vn.

Đề nghị tích hợp 2 phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Thảo luận về dự thảo Luật, về những vấn đề chung, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) cho rằng, cần phải làm rõ mọi khía cạnh, nhất là những tác động, ảnh hưởng của những chính sách mới được đưa ra trong dự thảo Luật, đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe với tinh thần cầu thị, sẻ chia những khó khăn, nguyện vọng của người lao động. “Vì đối với người lao động, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến vấn đề an sinh của cả cuộc đời”, đại biểu nói.

Vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục được đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận khi tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý I-2024, cao nhất trong nhiều năm qua. Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, để bảo đảm hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của bảo hiểm xã hội và bảo đảm an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua.

Bên cạnh các ý kiến đồng thuận với phương án 1, một số đại biểu Quốc hội cũng dành sự đồng thuận đối với phương án 2. Đồng tình với phương án 2, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) cho rằng, phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia bảo hiểm xã hội; giữ chân người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) và một số đại biểu Quốc hội cho rằng, hai phương án quy định tại dự thảo Luật đều có những hạn chế, chưa phải là những phương án tối ưu nhất. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phương án này sẽ bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu chưa có phương án tối ưu thì đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, tránh sự xáo trộn xã hội và cho người lao động được lựa chọn, kể cả việc tham gia bảo hiểm xã hội trước hay sau khi Luật này có hiệu lực.

Đồng thời, đại biểu cũng đề xuất chính sách để có thể hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đó là, giao cho bảo hiểm xã hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp; mức vay tối đa bằng số tiền người lao động được hưởng nếu rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đáng chú ý, một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương (từ ngày 1-7-2024) để bảo đảm dự thảo Luật được phù hợp, khả thi.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top