Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô làm việc với Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam

12:32 - Thứ Ba, 28/05/2024 Lượt xem: 5555 In bài viết

ĐBP - Sáng 28/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô có buổi làm việc với đoàn công tác của Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam do ông Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội làm trưởng đoàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô thông tin về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Matsuo Tomoyuki đã giới thiệu phóng sự ngắn về việc phát triển cây tam giác mạch làm mì tam giác mạch (Soba) ở một số địa phương tại Việt Nam, điển hình là tỉnh Hà Giang. Ông Matsuo Tomoyuki khẳng định: Cây tam giác mạch ở các tỉnh khu vực Tây Bắc - Việt Nam rất có giá trị. Hiện nhu cầu nhập khẩu hạt tam giác mạch thô của Việt Nam để làm mì Soba tại Nhật Bản là rất lớn. Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam mong muốn có sự trao đổi với tỉnh Điện Biên về tiềm năng, thế mạnh của cây tam giác mạch và một số sản phẩm đặc hữu khác. Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ, phối hợp triển khai thực hiện dự án 110 sản phẩm của Hiệp hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô thông tin khái quát về tiềm năng, thế mạnh; vị trí địa lý, khí hậu, thời tiết, tài nguyên đất đai, tài nguyên nước và thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt là tiềm năng phát triển cây tam giác mạch tại tỉnh Điện Biên. Theo đó, cây tam giác mạch mới được trồng rải rác ở một số hộ gia đình với mục đích chính làm cây cảnh và trồng tại một số điểm du lịch nhằm thu hút thu khách tới tham quan, chụp ảnh; chưa sử dụng cây tam giác mạch cho các mục đích khác như sản xuất lương thực, thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô nhấn mạnh, ngoài định hướng ưu tiên phát triển khu vực trồng cây tam giác mạch cho phát triển du lịch có thể hướng tới vận động người dân sản xuất nông nghiệp tận dụng diện tích đất trồng lúa, ngô sau thu hoạch để trồng tạo vùng sản xuất hàng hóa.

Ông Matsuo Tomoyuki, Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Tỉnh Điện Biên đề nghị Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam có định hướng cụ thể về giá trị của cây tam giác mạch, nhu cầu thực tế về nguyên liệu gắn với quy mô phát triển diện tích cây tam giác mạch tại tỉnh Điện Biên, lợi ích của người dân khi tham gia phát triển sản xuất cây tam giác mạch. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm cây tam giác mạch tại địa phương để làm cơ sở định hướng, phát triển tại địa phương, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững đối với loại cây này.

Sau buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, chiều cùng ngày, đoàn công tác của Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản - Việt Nam sẽ đi khảo sát các sản phẩm nông nghiệp tại xã: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng thuộc TP. Điện Biên Phủ.

Tin, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top