Cần có cơ chế, chính sách chuyển hóa tiềm năng thành hành động

12:36 - Thứ Tư, 29/05/2024 Lượt xem: 4420 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (29/5), kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các ban Hội đồng nhân dân 25 tỉnh, thành phố được mời tham dự phiên họp.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, trước sự bất ổn của nền kinh tế thế giới có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nền kinh tế nước ta, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu cho rằng, để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có cơ chế, chính sách cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế. “Kinh nghiệm của Hàn Quốc khi vừa công bố gói hỗ trợ 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm tài chính, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển rất đáng được quan tâm” - Đại biểu Tạ Thị Yên nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, theo đại biểu cần tiếp tục quan tâm phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày… và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, khi xây dựng chính sách cũng như chỉ đạo, điều hành cần tính đến yếu tố thương hiệu, uy tín quốc gia, quyền lực mềm của đất nước. Nước ta với số dân đông đứng thứ 15, quy mô kinh tế đứng thứ 35, thu hút đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu đứng thứ 20 trên thế giới. Hơn thế, Việt Nam đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Do đó, khi xây dựng chính sách cũng như chỉ đạo, điều hành cần tính đến các yếu tố này. Đồng thời, cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc để tạo sự đồng thuận, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn, thách thức, nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn những kết quả và xu thế tích cực trong phát triển đất nước. 

Ngoài ra, đại biểu mong muốn công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Trung ương cũng như địa phương được thực hiện một cách thực chất hơn nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường số hóa để bảo đảm quy trình, thủ tục theo luật định, có cơ chế pháp lý rõ ràng, đảm bảo tránh những rủi ro, tăng cường trách nhiệm cho cả người dân, cán bộ công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc. Vừa qua, việc đùn đẩy trách nhiệm, giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng, đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên cũng đề nghị cần chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân, cả về thể chất và tinh thần. Đại biểu lo ngại khi gần đây diễn ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, vụ việc liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, thông tin xấu độc, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm hình sự, gây bất an trong xã hội, chi phối sự tập trung của doanh nghiệp, người dân cho phát triển kinh tế.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top