Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh

18:32 - Thứ Tư, 29/05/2024 Lượt xem: 3692 In bài viết

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định, CPI phải trên 20% mới trình điều chỉnh, trong khi đó, CPI từ năm 2020 đến năm 2023 chỉ 11,47%.

Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác. 

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu.

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Chúng ta dù khiêm tốn nhất thì cũng khẳng định là năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 đã đạt được kết quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận”. Đặc biệt năm 2023 tăng trưởng GDP là 5,05%, xuất nhập khẩu đạt 683 tỷ USD, thu ngân sách vượt 8,2%, bội chi ngân sách dưới 4%. Điều hành kinh tế xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tốt.

Trước ý kiến một số đại biểu cho rằng mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, Bộ trưởng cho biết, thuế thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực từ 2009, lúc đó mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/người/tháng. 

Đến luật sửa đổi năm 2013 thì mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/người/tháng và đưa thêm một điều là khi CPI biến động 20% thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh giảm trừ gia cảnh.

Đến năm 2020, Quốc hội đã có Nghị quyết điều chỉnh, theo đó mức giảm trừ 11 triệu/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu/người/ tháng.

“Điều này có nghĩa là người có thu nhập với 1 người phụ thuộc thì thu nhập 17 triệu trở lên mới phải nộp thuế thu nhập, nếu có hai người phụ thuộc thì trên 22 triệu mới phải nộp thuế thu nhập” – Bộ trưởng cho biết. 

Lý giải lí do hiện nay chưa trình điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng cho biết, so với số liệu của Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu. Như vậy giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng thì cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần. Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trên thực tế mức CPI từ 2020 đến 2023 chỉ 11,47%, trong khi quy định trên 20% mới thực hiện điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. 

“Điều này nghĩa là Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân vào Kỳ họp tháng 10/2025, thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2026. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà quyết định cuối năm nay sẽ làm ngay để thông qua vào tháng 5/2025, thì chúng tôi sẽ chấp hành. Khi tính đến xây dựng luật thì sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nhân dân và bộ, ngành để đưa ra các quy định phù hợp” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Trước đó, trong phát biểu thảo luận sáng 29/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp phản ánh, cử tri cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người/tháng là quá lạc hậu, cần được Quốc hội xem xét sửa đổi sớm, không nên chờ đến hai năm nữa - năm 2026 - mới xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân như đã đề xuất.

Theo đại biểu, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân như đề xuất thì sẽ rất nhiều người dân ở trong cảnh "thắt lưng, buộc bụng" nhưng thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân”, đại biểu nêu rõ.

“Lương tăng nhưng thuế thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh chưa điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động, vì lương tăng đồng nghĩa thu nhập tính thuế cũng tăng. Việc không điều chỉnh kịp thời này sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc cải cách tiền lương. Tôi xin kiến nghị Chính phủ sớm trình Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay, và trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị.

Cũng về vấn đề này, phát biểu trong phiên thảo luận chiều 29/5, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đề nghị cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế chỉ đang ở mức 132 triệu đồng/năm, tương đương 11 triệu đồng/tháng; biểu thuế lũy tiến từng phần cũng cần nghiên cứu điều chỉnh nâng các mức thuế lũy tiến từng phần thu nhập (hiện nay phần thu nhập tính thuế đến 60 triệu/năm đã phải chịu thuế suất 5%.)

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp./.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top